Thỏa thuận cho phép ông Benjamin-Netanyahu bước vào nhiệm kỳ thứ năm với tư cách là thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử hiện đại của nhà nước Israel, đồng thời cũng làm thay đổi cục diện chính trường Israel.
Đảng Xanh-Trắng của ông Benny Gantz và đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu ngày 20/4 đã ký thỏa thuận liên minh tiến tới thành lập chính phủ liên minh “khẩn cấp quốc gia", trong đó ông Netanyahu đảm nhận vị trí Thủ tướng trong 18 tháng đầu, ông Gantz đảm nhận vị trí Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng.
Ông Netanyahu có quyền phủ quyết việc chỉ định tổng chưởng lý và các công tố viên nhà nước. Đây được xem là bước lùi của Xanh-Trắng vì quyền phủ quyết cho phép Thủ tướng Netanyahu có nhiều không gian hơn trong giải quyết các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền mà ông đang vướng phải. Quyền hạn này cũng có thể cho phép nhà lãnh đạo Netanyahu lùi được thời hạn tòa án bắt đầu quá trình truy tố, ông, dự kiến diễn ra từ ngày 24/5 tới.
Theo thỏa thuận liên minh, ông Gabi Ashkenazi, thuộc Xanh-Trắng, sẽ nắm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao; một nghị sỹ khác thuộc Xanh-Trắng là ông Avi Nissenkorn làm Bộ trưởng Tư pháp. Thành viên đảng Likud, nghị sỹ Yisrael Katz, nhân vật lâu nay ủng hộ Thủ tướng Netanyahu, giữ chức Bộ trưởng Tài chính; ông Miri Regev trở thành Bộ trưởng Công an và ông Yariv Levin sẽ là Chủ tịch Quốc hội Israel.
Lãnh đạo Labor (Công đảng), thuộc khối trung tả ủng hộ ông Gantz, nghị sỹ Amir Peretz sẽ đảm nhận vị trí Bộ trưởng Kinh tế; trong khi Bộ trưởng Phúc lợi xã hội cũng do nghị sỹ thuộc đảng này, ông Itzik Shmuli nắm. Nghị sỹ Yaakov Litzman, đảng United Torah Judanism, thuộc khối cánh hữu ủng hộ ông Netanyahu, tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Y tế; lãnh đạo đảng Shas thuộc khối cánh hữu, nghị sỹ Arye Dery giữ chức Bộ trưởng Nội vụ.
Trong quốc hội, nghị sỹ thuộc đảng Likud sẽ đảm nhận chức chủ tịch Ủy ban Hiến pháp, Pháp luật và Tư pháp, Ủy ban Các vấn đề kinh tế và Ủy ban Chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (tạm thời). Nghị sỹ thuộc đảng Xanh-Trắng sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng.
Như vậy, Thủ tướng Netanyahu không còn là nhân vật chính trị độc quyền trên chính trường Israel. Thời gian tới, trong các quyết định quan trọng về đối nội và đối ngoại, ông Netanyahu đều phải tham khảo với lãnh đạo Xanh-Trắng Gantz, nhân vật được đánh giá có xu hướng ôn hòa hơn ông Netanyahu, và các bộ trưởng là người của Xanh-Trắng.
Trong Chính phủ Israel nhiệm kỳ tới, ảnh hưởng của các đảng của người Do Thái giáo chính thống và cực hữu là đảng Yamina sẽ suy giảm. Sau nhiều năm, đảng Labor tham gia chính phủ và nắm hai bộ quan trọng là Kinh tế và Phúc lợi xã hội. Đảng Joint List của người Israel gốc Arab, tuy là đảng lớn thứ ba trên chính trường (15 ghế) nhưng không tham gia chính phủ khẩn cấp quốc gia, tiếp tục là đối lập trong quốc hội, nhưng tiếng nói trên chính trường tương đối hạn chế.
Về đối nội, ưu tiên trước mắt của chính phủ quốc gia khẩn cấp là tập trung các nguồn lực chống đại dịch COVID-19 đang bùng phát tại Israel và phục hồi nền kinh tế. Nền kinh tế Israel phụ thuộc vào dịch vụ nên dịch bệnh COVID-19 đang gây thiệt hại to lớn. Đến hết ngày 20/4, Israel ghi nhận hơn 13.700 ca nhiễm, 177 ca tử vong. Dịch bệnh đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức 25% (tính đến đầu tháng 4/2020), xấp xỉ 1,05 triệu người, tăng mạnh so tỷ lệ thất nghiệp chỉ gần 4% trước đại dịch.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây dự báo nền kinh tế Israel sẽ suy thoái 6,3% trong năm 2020 và chưa thể phục hồi như mức trước khi đại dịch bùng phát cho đến năm 2022. Ngân hàng Israel cũng cho rằng nền kinh tế nước này sẽ suy thoái 5,3% trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp tại Israel theo dự báo của IMF sẽ ở mức 12% vào cuối năm nay và giảm xuống 7,6% vào cuối năm 2021.
Về đối ngoại, chính phủ mới tại Israel tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thủ tướng Netanyahu được đánh giá là có quan hệ tốt với Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa, trong khi ông Gantz có thể cải thiện quan hệ giữa Israel với đảng Dân chủ Mỹ. Việc ông Gantz đảm nhận vị trí Thủ tướng sau ông Netanyahu có thể là tín hiệu tích cực để Israel cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), bởi lâu nay khối này không ủng hộ một số bước đi đơn phương của ông Netanyahu liên quan đến xung đột với Palestine và Iran. Israel sẽ tiếp tục chủ động trong chính sách bảo vệ an ninh quốc gia, chống lại các thách thức an ninh đối với nước này.
Israel cũng chủ trương tiếp tục thúc đẩy cải thiện quan hệ với các nước Arab, nhưng trong bối cảnh các nước đều chịu thiệt hại từ dịch bệnh COVID-19 và Israel có kế hoạch tiến hành sáp nhập lãnh thổ tại Bờ Tây, nên khó có khả năng đạt đột phá quan hệ giữa hai bên.
Theo thỏa thuận thành lập liên minh, hai ông Netanyahu và Gantz thống nhất tiến hành các bước đi sáp nhập các phần lãnh thổ tại Bờ Tây kể từ đầu tháng 7/2020. Thủ tướng Netanyahu sẽ đưa các dự luật về sáp nhập ra để chính phủ bàn bạc và có thể trình quốc hội bỏ phiếu thông qua. Cho đến nay, đảng Likud, đảng cực hữu Yamina, các đảng của người Do Thái giáo chính thống là United Torah Judasim và Shas, đảng cánh hữu Yirael Beytenu của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman đều lên tiếng ủng hộ sáp nhập, như vậy về kỹ thuật, có 65/120 nghị sỹ ủng hộ kế hoạch.
Điều này tạo lợi thế cho ông Netanyahu thực hiện các cam kết về sáp nhập lãnh thổ đã đưa ra trong quá trình tranh cử. Tuy nhiên, thỏa thuận liên minh cũng quy định việc sáp nhập sẽ được thực hiện trên cơ sở “phối hợp chặt chẽ với Mỹ, bao gồm vấn đề vẽ bản đồ, và đối thoại với cộng đồng quốc tế”, như quan điểm của ông Gantz về vấn đề này. Do đó, tuy Israel thúc đẩy thực hiện "kế hoạch hòa bình Trung Đông" mà chính quyền Mỹ đã công bố, nhưng quy mô thực hiện trước mắt là hạn chế.
Tiến trình hòa bình Trung Đông được đánh giá khó có chuyển biến tích cực, đặc biệt nếu Israel thực hiện kế hoạch sáp nhập nêu trên, vốn được Mỹ "bật đèn xanh" bởi đây là một phần trong "kế hoạch hòa bình Trung Đông" của Washington, song vấp phải sự phản đối của Palestine và nhiều nước. Trong phản ứng đầu tiên, lãnh đạo Palestine cho rằng việc thành lập chính phủ mới của Israel "đồng nghĩa chấm dứt giải pháp hai nhà nước và loại bỏ các quyền của người Palestine".
Với việc thành lập "chính phủ quốc gia khẩn cấp” trên cơ sở thỏa thuận liên minh giữa Xanh -Trắng và Likud, đại diện hai khối trung tả và cánh hữu ở Israel, có thể nói một "làn gió mới" đã xuất hiện trên chính trường nước này. Đây là diễn biến tích cực đối với Israel bởi tình trạng bế tắc kéo dài do không thành lập được chính phủ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ứng phó đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, những khó khăn còn ở phía trước bởi sự chia rẽ và bất đồng giữa hai đảng Xanh -Trắng và Likud được cho sẽ vẫn chi phối chính trường Israel trong thời gian tới.