Làn sóng dịch COVID-19 tiếp tục dâng cao tại Nhật Bản và nhiều nước châu Âu

Ngày 19/1, Nhật Bản ghi nhận 41.485 ca mắc mới COVID-19, cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp, số ca mắc mới tại nước này tăng lên một mốc mới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 18/1/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Thủ đô Tokyo ghi nhận 7.377 ca mắc, vượt xa mức đỉnh điểm 5.908 ca từng ghi nhận hồi tháng 8/2021. So với ngày 12/1, số ca mắc mới tại thủ đô Tokyo ngày 19/1 tăng thêm 5.179 ca, tức là tăng hơn 3 lần sau một tuần. Trung bình số ca mắc mới trong giai đoạn 7 ngày gần nhất là 4.598,4 ca/ngày, cao gấp 4 lần so với tuần trước đó. Hơn 40% số ca mắc mới tại Tokyo trong ngày 19/1 đã tiêm 2 mũi vaccine phòng bệnh. 

Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định Nhật Bản hy vọng sẽ vượt qua đợt dịch này dựa trên những biện pháp chuẩn bị phòng ngừa hợp lý và không sợ hãi thái quá. Trước đó, cùng ngày, Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng phòng dịch trọng điểm tại Tokyo và 12 tỉnh khác, theo đó các nhà hàng phải đóng cửa sớm hơn và dừng hoặc hạn chế bán đồ uống có cồn.

* Nga cũng ghi nhận 33.899 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất tính từ ngày 27/11/2021, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên là 10.988.411 ca. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Nga là 323.376, tăng 698 ca so với một ngày trước đó. Thủ đô Moskva ghi nhận 8.795 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại thành phố lên 2.113.370 ca, cao nhất cả nước.

Trước đó, ngày 18/1, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova tuyên bố thời gian cách ly áp dụng với những người nhiễm bệnh sẽ giảm từ 14 xuống còn 7 ngày. Điện Kremlin khẳng định hiện Chính phủ Nga chưa xem xét khả năng áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc nhưng chính quyền các địa phương được phép quyết định các biện pháp hạn chế ở mỗi địa bàn quản lý.

Thị trưởng Moskva nhận định biến thể Omicron đang dần thay thế biến thể Delta trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo tại thành phố và cho biết số ca mắc mới tại đây đang tăng mạnh. Ông hối thúc các cơ quan cho phép khoảng 30% số nhân viên làm việc tại nhà, người trên 60 tuổi hạn chế ra ngoài. Cả hai biện pháp này sẽ được duy trì đến ngày 1/4 tới.

* Tương tự, Slovenia và Croatia cũng ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay, lần lượt là 12.285 và 10.427 ca. Trong khi đó, truyền thông trong nước cho rằng số ca mắc mới trên thực tế cao hơn nhiều nhưng chưa được báo cáo vì năng lực xét nghiệm không theo kịp tốc độ lây lan dịch bệnh.

Tại Slovenia, số ca mắc mới thông báo trong ngày 19/1 tăng 41,5% so với một ngày trước và cao hơn 80% so với một tuần trước. Nước này cũng đã rút ngắn thời gian cách ly với nhân viên trong các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội và giáo dục để đảm bảo duy trì hoạt động của các cơ quan này. 

* Trong khi đó, các nhân viên công quyền tại Ba Lan sẽ chuyển sang hình thức làm việc từ xa và các công ty tư nhân cũng được khuyến nghị áp dụng biện pháp này trong bối cảnh số ca mắc mới tại quốc gia này đang tăng mạnh do biến thể Omicron.

Chú thích ảnh
 Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN

Ngày 19/1, Ba Lan ghi nhận trên 30.000 ca mắc mới, cao nhất kể từ tháng 4/2021. Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cho rằng nếu xu hướng trên tiếp diễn, số ca mắc mới tại nước này có thể lên đến 50.000 ca/ngày vào tuần tới.

Hiện Ba Lan đang áp dụng các quy định hạn chế được đánh giá là lỏng lẻo hơn các nước khác, dù mới chỉ có 56% dân số được tiêm phòng đủ, thấp hơn so với mức trung bình toàn Liên minh châu Âu (EU).

Lê Ánh (TTXVN)
Nhật Bản áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 13 địa phương
Nhật Bản áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 13 địa phương

Ngày 19/1, Hội đồng chuyên gia phòng chống dịch bệnh đã phê duyệt chủ trương của Chính phủ Nhật Bản áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với thủ đô Tokyo và 12 tỉnh thành khác tại Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN