Hãng thông tấn AFP (Pháp) ngày 21/8 đã liệt kê danh sách những hành vi tội phạm phổ biến trên khắp thế giới kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.
“Giấy thông hành y tế” giả
Trong tháng 8, chính phủ Pháp yêu cầu người dân nước này cần phải có “giấy thông hành y tế” chứng minh họ đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mới được đến các quán cà phê hoặc những địa điểm công cộng khác. Ngay lập tức, trên thị trường chợ đen xuất hiện các loại “giấy thông hành y tế” giả với giá vài trăm euro.
Trên mạng xã hội Snapchat, người dân Pháp chỉ cần đánh từ khóa “giấy thông hành y tế giả” là có thể tiếp cận được rất nhiều tài khoản công khai quảng cáo về loại giấy tờ giả mạo này. Những tài khoản này thường chỉ tồn tại trong vài ngày.
AFP cho biết giấy chứng nhận giả đã tiêm vaccine COVID-19 hiện cũng đang trôi nổi rất nhiều tại Nga.
Vaccine giả
Trên 800 người đã tiêm phải vaccine giả ở Uganda trong tháng 7 vừa qua. Những kẻ tham gia vào đường dây này là các bác sĩ và nhân viên y tế vô lương tâm nhắm đến những người dân sẵn sàng trả tiền cá nhân để được tiêm vaccine COVID-19. Những người này đã phải chi 25-120 USD để sau đó được tiêm 1 liều vaccine giả.
Trong tháng 6, tại Mumbai (Ấn Độ) đã có 2.000 người dân địa phương bị lừa đảo tiêm vaccine COVID-19 giả. Trên thực tế, những kẻ lừa đảo đã tiêm cho họ nước muối.
Giết người đội lốt
Năm thành viên trong một nhóm tội phạm tại thành phố Agra (Ấn Độ) vào tháng 6 vừa qua đã mặc đồ bảo hộ và hỏa táng thi thể một người đàn ông chúng sát hại. Những kẻ này giả mạo nạn nhân là người tử vong vì COVID-19 để thực hiện hỏa táng. Cảnh sát sau đó đã lật tẩy được tội ác tinh vi của 5 tên này.
Trộm vaccine COVID-19
Cơ quan chức năng Indonesia đã bắt giữ 4 nghi phạm trộm vaccine COVID-19 dành cho tù nhân sau đó mang ra ngoài để bán.
Những kẻ này đã trộm trên 1.000 liều vaccine COVID-19 và rao bán tại Jakarta và Medan (tỉnh Bắc Sumatra) với giá 17 USD mỗi liều.
Tái sử dụng dụng cụ xét nghiệm COVID-19
Cũng tại thành phố Medan (Indonesia) vào tháng 5 vừa qua, cảnh sát đã bắt giữ 5 nhân viên y tế làm việc tại sân bay Kualanamu do họ tái sử dụng tăm bông cho nhiều hành khách xét nghiệm COVID-19.
Những nhân viên y tế này chỉ rửa tăm bông đã qua sử dụng bằng cồn rồi đóng gói lại và tiếp tục dùng sản phẩm này cho hành khách khác. Cảnh sát cho biết có hàng nghìn hành khách đến sân bay Kualanamu đã trở thành nạn nhân xét nghiệm COVID-19 với tăm bông đã qua sử dụng.