Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia, chở 53 người đã mất tích ngày 21/4 ở vùng biển cách đảo Bali khoảng 96km về phía bắc khi đang tham gia một cuộc diễn tập huấn luyện bắn ngư lôi.
Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên Hải quân Indonesia, Julius Widjojono ngày 22/4 cho biết, một sự cố điện có thể đã xảy ra khi tàu lặn xuống, khiến tàu mất kiểm soát và không thể tiến hành các quy trình khẩn cấp cho phép nó nổi trở lại. Lực lượng này cũng nghi ngờ con tàu đã chìm ở độ sâu 600-700 mét.
Cũng theo người phát ngôn Hải quân Indonesia, tàu ngầm diesel Nanggala hoạt động nhờ các bộ ắc-quy điện, có thể chịu được độ sâu 250-500 mét. "Bất cứ điều gì hơn thế có thể gây nguy hiểm, chết người", Đô đốc Julius Widjojono phát biểu với đài KompasTV.
Hãng tin Reuters cho hay, vùng biển xảy ra sự cố tuy nông hơn các vùng biển khác của quần đảo nhưng có thể sâu tới trên 1.500 mét.
Hải quân Indonesia cũng cho biết, cuộc tìm kiếm chiếc tàu ngầm mất tích đang tập trung vào vệt dầu loang ở phía bắc đảo nghỉ dưỡng Bali, với sự trợ giúp của Australia, Singapore và một số quốc gia khác.
Tham mưu trưởng quân đội Indonesia, tướng Hadi Tjahjanto, xác nhận con tàu bị mất tín hiệu hoàn toàn với trung tâm chỉ huy lúc 4h30 sáng 21/4. Bộ Quốc phòng nước này cho biết có 53 người trên tàu ngầm, gồm 49 thủy thủ, một chỉ huy và 3 chuyên gia vũ khí, dù tàu có sức chứa thiết kế chỉ hơn 30 người.
Một chiếc trực thăng sau đó phát hiện vệt dầu loang ở nơi con tàu bắt đầu lặn. Theo hải quân Indonesia, dầu loang cho thấy có thể đã xảy ra hư hỏng đối với thùng nhiên liệu do áp lực của nước biển, hoặc cũng có thể là tín hiệu cấp cứu của các thành viên trên tàu.
Người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono cho biết, cuộc tìm kiếm tàu Nanggla đang được tiến hành với sự trợ giúp của một số quốc gia, trong đó có Australia và Singapore đã cử các tàu cứu hộ tàu ngầm đến khu vực.
Hải quân Indonesia cũng đã triển khai một loạt tàu tìm kiếm, bao gồm một tàu khảo sát trắc địa.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho biết ông sẽ trao đổi với chính phủ Indonesia. “Australia sẽ cung cấp bất cứ sự trợ giúp nào có thể và chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác khác trong khu vực nhằm cung cấp bất cứ trợ giúp nào chúng tôi có thể”, ông Dutton khẳng định trên Đài phát thanh Sydney.
Tàu ngầm KRI Nanggala-402 nặng 1.395 tấn, do Đức chế tạo vào năm 1977, được đưa vào phục vụ trong Hải quân Indonesia từ năm 1981. Con tàu từng trải qua một cuộc tái trang bị kéo dài 2 năm tại Hàn Quốc, hoàn tất năm 2012.
Indonesia hiện đang sở hữu hạm đội 5 tàu ngầm Type 209 do Đức chế tạo và đã lên kế hoạch triển khai ít nhất 8 chiếc vào năm 2024.
Những năm gần đây, Indonesia, quần đảo gồm 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, đã đối mặt với những thách thức hàng hải ngày càng gia tăng, trong đó có một loạt sự cố liên quan đến các tàu Trung Quốc ở gần quần đảo Natuna.