Cơ quan trên nêu rõ: "Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận cần phải đẩy mạnh hỗ trợ Ukraine, bao gồm tăng cường hỗ trợ quân sự và kinh tế". Tuyên bố cho biết hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục nỗ lực chung để tăng cường sức ép kinh tế đối với Nga và chấm dứt sự phụ thuộc của phương Tây vào dầu khí của Nga.
Trong khi đó, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Johnson vào sáng 12/4. Cuộc điện đàm diễn ra sau chuyến thăm của ông Johnson tới Kiev hồi cuối tuần trước để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Cùng ngày, hai quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ thông báo cung cấp vũ khí mới cho Ukraine, tổng trị giá 750 triệu USD. Kế hoạch này được tài trợ trong khuôn khổ Đạo luật sản xuất quốc phòng, vốn trao cho Tổng thống thẩm quyền chuyển giao các hàng hóa và dịch vụ mà không cần Quốc hội thông qua trong trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, ngày 8/4, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã cung cấp viện trợ an ninh cho Kiev với tổng trị giá 1,7 tỷ USD kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2.
Trong diễn biến khác, một nguồn thạo tin tại Hàn Quốc ngày 13/4 cho biết nước này có kế hoạch cung cấp cho Ukraine thêm vũ khí phi sát thương trị giá 2 tỷ won (1,6 triệu USD) trong tháng 4. Theo nguồn tin, Hàn Quốc trong tuần tới bắt đầu chuyển cho Ukraine những mặt hàng như áo chống đạn, mũ bảo hiểm, vật tư y tế, các suất ăn và đồ ăn sẵn.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn Moskva tiếp cận các công nghệ tiên tiến và đưa nhiều tài phiệt, quan chức Nga vào danh sách cấm vận.
Mới đây nhất, ngày 12/4, giới chức hải quan Hà Lan đã tịch thu tổng cộng 20 du thuyền của chủ sở hữu người Nga tại xưởng đóng tàu của nước này. Trong khi đó, các công ty phương Tây cũng đang chịu sức ép ngày càng tăng về bán tài sản hoặc ngừng hoạt động tại Nga. Công ty bán lẻ vật tư cải tiến nhà ở đa quốc gia của Đức, OBI đã bán các cửa hàng của mình ở Nga cho một nhà đầu tư địa phương. Danh tính của người mua và giá trị giao dịch không được tiết lộ.
Nga liên tục chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ô tô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng cảnh báo sẽ chỉ xuất khẩu lương thực tới các quốc gia "thân thiện" và hạn chế thị thực đối với công dân đến từ những nước phương Tây "không thân thiện".