Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trên cương vị chủ trì hội nghị, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã kêu gọi các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị "tiếp tục thúc đẩy cùng tồn tại hòa bình, đặc biệt trong khối ASEAN+3".
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN+3 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác kinh tế, đồng thời nhìn lại cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997 vốn được xem là động lực để khởi động cơ chế đối thoại tồn tại 20 năm qua giữa các nước ASEAN+3.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định hợp tác tài chính giữa các nước ASEAN+3 ngày càng có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh mối quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng, cho đây là yếu tố thúc đẩy kinh tế của khu vực và thế giới, giảm những tổn hại cũng như duy trì và củng cố hệ thống thương mại tự do.
Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng sự cải thiện gần đây trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các nước ASEAN+3. Ông Lý Khắc Cường đề xuất xúc tiến xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực và phát triển chung. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In kêu gọi các nước duy trì những nỗ lực liên tục trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tình trạng dân số già hóa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ tư từ trái sang), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ 5 từ trái sang), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 6 từ trái sang), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (thứ 6 từ phải sang) cùng các Trưởng đoàn ASEAN chụp ảnh chung. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo các nước ASEAN+3 đã thảo luận về hiệp định thương mại Đối tác kinh tế toàn diện khu vực mà các nước ASEAN+3 đang trong quá trình đàm phán với Australia, Ấn Độ và New Zealand. Tuy nhiên, nội dung chi tiết cuộc thảo luận không được công bố.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước ASEAN+3 đã chia sẻ quan ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Theo một người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Abe cho biết việc tìm kiếm đối thoại với Bình Nhưỡng cho đến nay đều không có ý nghĩa, vì vậy cần phải gia tăng sức ép cho đến khi Triều Tiên tìm kiếm đối thoại trên cơ sở hướng tới sự thay đổi về chính sách của nước này.
Dự kiến, lãnh đạo các nước ASEAN+3 sẽ ra tuyên bố chung kêu gọi Triều Tiên tuân thủ tất cả nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và tái khẳng định sự ủng hộ của các nước này đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên bằng giải pháp hòa bình.