Trên tài khoản Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, chủ trì hội nghị, nêu rõ: "Chúng tôi có trách nhiệm chung đưa ra (gói kích thích kinh tế). Hiện là lúc để phối hợp cùng nhau".
Châu Âu đang là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 với hơn 190.000 ca tử vong trong gần 2,5 triệu ca mắc. Nhiều nước châu Âu đã bắt đầu mở cửa trở lại trong tháng này sau khi những biện pháp phong tỏa dù giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan hiệu quả, song đã để lại thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế. Liên minh châu Âu (EU) hiện phải đối mặt với đợt suy thoái lớn nhất trong lịch sử 63 năm, và các nước đang chịu sức ép phải tìm cách để vực dậy nền kinh tế của khối.
Được đặt trên bàn thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lần này là đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen về việc thành lập một quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá 750 tỷ euro (840 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các nước vượt qua suy thoái do đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất đồng giữa các nhà lãnh đạo EU, khó có thể hy vọng hội nghị trực tuyến lần này sẽ tìm được sự thống nhất về kế hoạch phục hồi sau đại dịch cũng như về ngân sách dài hạn của EU.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, kế hoạch của EC, vốn được Đức và Pháp ủng hộ, đề xuất quỹ phục hồi phải được tích hợp trong ngân sách nhiều năm giai đoạn 2021-2027. Trong đó, 2/3 khoản tiền quỹ sẽ theo hình thức tài trợ, trong khi phần còn lại là các khoản vay dựa trên điều kiện mà các quốc gia có thể áp dụng. Tuy nhiên, 4 quốc gia gồm Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Thụy Điển, cho rằng các khoản viện trợ không thể được cấp cho các thành viên một cách dễ dàng và tiền quỹ sau này phải được hoàn trả. Theo dự án của EC, các quốc gia nộp đơn đề nghị hỗ trợ sẽ phải phác thảo những mục tiêu tài chính và kế hoạch cải cách sẽ được thực hiện để đảm bảo nền kinh tế của họ thích ứng tốt hơn trong tương lai.
Trước đó, trong thư mời gửi lãnh đạo các quốc gia thành viên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết cuộc thảo luận vào ngày 19/6 sẽ phải làm rõ quy mô và thời gian của kế hoạch phục hồi, cũng như các vấn đề về cho vay và tài trợ. Ông Michel cũng chỉ ra một số điểm đang nhận được sự đồng thuận, bao gồm nhu cầu ngân sách dành cho các lĩnh vực và khu vực của EU bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU chưa thống nhất được về tổng thể, quy mô, tài chính, cũng như chương trình đối với ngân sách dài hạn. Ông Michel nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng là các nhà lãnh đạo sớm đạt được thỏa thuận và do đó các bên cần nỗ lực thảo luận trong những tuần tới với tinh thần xây dựng, đoàn kết và trách nhiệm.
Trong khi đó, một số quan chức EU và các nhà lãnh đạo chính phủ nhận định các cuộc thảo luận từ xa sẽ chỉ là sự chuẩn bị cho một thỏa thuận trong tương lai có thể sẽ được hoàn tất vào tháng 7 khi các nhà lãnh đạo có thể họp mặt trực tiếp. Một quan chức cấp cao của EU cho biết các thành viên đang bước vào giai đoạn đàm phán và hy vọng sẽ có động lực phù hợp để có thể đạt được một thỏa thuận trước kỳ nghỉ Hè vào tháng 8.