Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn thông báo của Phủ thủ tướng Đức cho biết, tại cuộc điện đàm kéo đài hơn 1 giờ, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Trung Quốc chủ yếu thảo luận về quan hệ EU-Trung Quốc, về thương mại quốc tế, bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về hợp tác chống đại dịch COVID-19 và cung ứng vaccine toàn cầu, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực.
Theo một người phát ngôn Chính phủ Đức, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron đã kêu gọi điều chỉnh mục tiêu cắt giảm CO2 trong ngắn hạn cũng như nỗ lực hơn nữa để bảo vệ đa dạng sinh học tại cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15) cho Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng Sinh học, dự kiến tổ chức ở Côn Minh (Trung Quốc) vào tháng 10 tới. Một mặt nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn và ủng hộ thoả thuận đầu tư với Trung Quốc, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron cũng hối thúc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đối với người châu Âu muốn nhập cảnh Trung Quốc.
Theo thông báo từ Phủ tổng thống Pháp, hai nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi Bắc Kinh tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc, kêu gọi thực hiện cạnh tranh công bằng để các công ty nước ngoài ở Trung Quốc có thể hưởng lợi từ các điều kiện tương tự như các công ty Trung Quốc được hưởng ở châu Âu. Liên quan vấn đề hạt nhân Iran, ba nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Trung Quốc đã kêu gọi các bên liên quan nắm bắt cơ hội để đạt được một thoả thuận giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, thông báo từ Bắc Kinh cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn Trung Quốc và châu Âu mở rộng hợp tác nhằm ứng phó tốt hơn với các vấn đề toàn cầu. Cũng tại hội nghị, ông Tập Cận Bình hy vọng châu Âu có thể đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế, có sự độc lập về chiến lược và tạo môi trường công bằng, minh bạch và không thành kiến với các công ty Trung Quốc.
Báo chí Đức cho biết, hiện EU và Trung Quốc đang có nhiều vấn đề cần thảo luận, trong đó có vấn đề Biển Đông, Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI) giữa EU-Trung Quốc cũng như việc đánh thuế tối thiểu trên toàn thế giới đối với các tập đoàn lớn.
Liên quan hiệp định CAI, EU và Trung Quốc đã thống nhất trên nguyên tắc thỏa thuận đầu tư vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, bất đồng giữa hai bên trong một số vấn đề khiến văn kiện này bị đình lại tại Nghị viện châu Âu (EP). Trong những tuần gần đây, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Hội nghị thượng đỉnh EU đã có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Thủ tướng Merkel từng đề xuất tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc vào năm 2020 với tất cả lãnh đạo 27 nước EU, tuy nhiên, hội nghị này đã bị huỷ do đại dịch COVID-19.
Mới đây, hồi giữa tháng 4/2021, Thủ tướng Merkel, Tổng thống Macron và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến ba bên để thảo luận về chính sách bảo vệ khí hậu và đại dịch COVID-19.