Ngày 3/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner - một nghị sĩ đảng Cộng hòa, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Eric Cantor và lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ Viện Nancy Pelosi đã cùng tuyên bố ông ủng hộ lời kêu gọi tấn công quân sự nhằm vào Syria của Tổng thống Barack Obama.Theo nguồn tin từ Lầu Năm góc ngày 1/9, hải quân Mỹ đã triển khai tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz cùng đội tàu chiến Mỹ (gồm 4 tàu khu trục và một tàu tuần dương) tới phía tây Biển Đỏ để hỗ trợ cuộc tấn công quân sự chống Syria (nếu có) trong trường hợp khẩn cấp. Trong ảnh: Tàu sân bay USS Nimitz ở vùng Biển Arab ngày 29/8. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và 16 nhà lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội tại Nhà Trắng, ông Boehner cho biết Mỹ cần phản ứng lại việc sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời cho rằng các đồng sự của ông nên ủng hộ yêu cầu cho phép dùng vũ lực của Tổng thống Obama. Trong khi đó, bà Pelosi bày tỏ tin tưởng rằng Hạ viện sẽ ủng hộ nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực của Mỹ nhằm vào Syria.
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Eric Cantor khẳng định sẽ bỏ phiếu ủng hộ phương án sử dụng vũ lực quân sự tại Syria của Tổng thống Obama. Hai Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain và Lindsey Graham cũng tán thành chủ trương phát động chiến tranh chống Syria của Nhà Trắng, nhưng hối thúc Tổng thống Obama hãy mở một chiến dịch quân sự tổng lực cho tới khi đạt tới mục tiêu lật đổ được Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông McCain đã hối thúc Quốc hội ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Obama.
Trước đó, tại cuộc hội đàm, Tổng thống Obama đề nghị một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng cho cái mà ông liên tục mô tả là một hành động quân sự “có mục tiêu” chống lại chính quyền Tổng thống Assad. Ông Obama một lần nữa khẳng định cuộc tấn công quân sự vào Syria khi được thực hiện sẽ "có giới hạn và sẽ không sử dụng bộ binh".
Tuy nhiên, ông Obama sẽ còn phải tìm cách thuyết phục không ít các nghị sỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, những người tỏ ra chưa sẵn sàng ủng hộ cuộc tấn công quân sự này. Các nghị sỹ này hoài nghi về việc liệu cuộc tấn công có tạo ra sự khác biệt và liệu nó có lôi kéo Mỹ sa lầy vào một cuộc xung đột lớn hơn tại khu vực hay không.
Sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Quốc hội, Tổng thống Obama sẽ lên đường sang Thụy Điển và sau đó sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 trong hai ngày 5-6/9 tại St. Petersburg (Nga).
Cùng ngày, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, Tướng Martin Dempsey, cùng điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Phát biểu tại cuộc điều trần, ông Kerry nói rằng giờ đây là lúc Nhà Trắng và Quốc hội "cùng đứng lên hành động" chống lại chế độ của Tổng thống Assad. Nếu không phát động tấn công Syria, điều đó sẽ phát đi một tiến hiệu nguy hiểm tới các kẻ thù khác của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho rằng nếu không hành động trừng phạt Syria thì việc đó sẽ làm tổn thương tới uy tín của Mỹ trong việc ngăn chặn các "kẻ thù", trong đó có việc ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong khi một bộ phận chính giới Mỹ đang hô hào ủng hộ việc tấn công quân sự Syria thì đa số người dân Mỹ phản đối cuộc can thiệp quân sự phi lý này.
TTXVN/Tin tức