Theo tờ The Guardian (Anh), trước đó, Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ các điều khoản mà lực lượng Hamas đưa ra để chấm dứt xung đột.
Một lãnh đạo của Hamas là Sami Abu Zuhri chia sẻ với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng quyết định của Thủ tướng Israel đồng nghĩa với việc các con tin người Israel không có cơ hội quay trở về.
Vào tối 22/1, gia đình các con tin Israel bắt đầu biểu tình bên ngoài tư dinh của ông Netanyahu ở Jerusalem. Diễn đàn các gia đình con tin và người mất tích của Israel cho biết nhóm biểu tình sẽ ở lại cho đến khi Thủ tướng Israel đồng ý thỏa thuận trao trả con tin.
Về phần Thủ tướng Netanyahu, ông nhiều lần cam kết duy trì xung đột ở Gaza cho đến khi chiến thắng hoàn toàn. Trong tuyên bố hôm 21/1, ông Netanyahu cũng lặp lại quan điểm về vấn đề nhà nước Palestine. Nhà lãnh đạo này nói: “Tôi sẽ không thỏa hiệp trong việc Israel kiểm soát an ninh toàn diện đối với tất cả lãnh thổ phía Tây sông Jordan”.
Trước đó một ngày, Thủ tướng Netanyahu đã từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc thành lập một nhà nước Palestine sau xung đột. Văn phòng Thủ tướng Netanyahu cho biết trong cuộc trao đổi hôm 19/1 với Tổng thống Mỹ, ông Netanyahu đã nhắc lại chính sách của mình rằng sau khi Hamas bị tiêu diệt, Israel phải duy trì quyền kiểm soát an ninh ở Gaza để đảm bảo rằng dải đất này sẽ không còn là mối đe dọa đối với Israel.
Trong một diễn biến khác, ngày 22/1, Cơ quan Y tế Gaza do Hamas kiểm soát thông báo rằng xung đột Israel-Hamas đã khiến 25.000 người Palestine thiệt mạng. Theo cơ quan này, phần lớn số người thương vong là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, hàng nghìn thi thể khác có thể vẫn chưa được phát hiện dưới các đống đổ nát trên khắp Gaza.
Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu ở thủ đô Kampala của Uganda, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã lên án cuộc tấn công kéo dài ba tháng của Israel tại Gaza. Ông Guterres nói: “Các hoạt động quân sự của Israel đã gây tàn phá hàng loạt và giết hại dân thường ở quy mô chưa từng có trong thời gian tôi làm tổng thư ký LHQ”.