Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) tại cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 14/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong thông cáo báo chí, Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) cho biết trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc vận động Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Tổng thống Moon Jae-in cũng nhấn mạnh: Sự quan tâm và hỗ trợ không ngừng của Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng như những đóng góp tích cực của Chính phủ Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như thiết lập nền hòa bình lâu dài.
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hoanh nghênh Tuyên bố Panmunjom được Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4 vừa qua.
Ông cũng đề cao những nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc trong việc mang lại một sự thay đổi tích cực cho tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Theo Chủ tịch Trung Quốc, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bình Nhưỡng đầu tuần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong "Tuyên bố Panmunjom vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, cam kết ngừng mọi hành động thù địch và biến Hiệp định đình chiến năm 1953 thành Hiệp ước hòa bình nhằm hướng đến chấm dứt chiến tranh trong năm nay.
Hai bên cũng nhất trí tổ chức các cuộc thảo luận thường kỳ và thẳng thắn về những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc, nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và cùng cố gắng thúc đẩy động lực tích cực cho việc tiếp tục cải thiện quan hệ liên Triều cũng như hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố chung cũng bao gồm một loạt cam kết liên quan đến việc giải trừ quân bị, biến Khu phi quân sự (DMZ) thành "vùng hòa bình", tìm kiếm các cuộc đối thoại đa phương với các nước khác như với Mỹ, đồng thời nhất trí với đề xuất giải giáp vũ khí theo từng giai đoạn.