Người phát ngôn Stephane Dujarric nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng hy vọng hợp tác với chính quyền mới (của Mỹ) nhằm thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và nhân quyền cho mọi người trên thế giới".
Cùng ngày, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã chúc mừng ông Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Trên mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo của Brazil viết: "Tôi xin chúc mừng Ngài Joe Biden, Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Quan hệ giữa Brazil và Mỹ là lâu dài, bền vững và được xây dựng trên những giá trị cao, chẳng hạn như sự bảo vệ nền dân chủ và các quyền tự do cá nhân… Tôi vẫn nỗ lực và sẵn sàng nỗ lực vì sự phồn vinh của hai nước chúng ta và sự thịnh vượng của nhân dân chúng ta".
Theo phóng TTXVN tại Berlin, ngày 20/1, các chính trị gia Đức đã đồng loạt chúc mừng ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, đồng thời kỳ vọng khôi phục mối quan hệ vốn khá căng thẳng với đồng minh quan trọng nhất của Đức ngoài châu Âu này.
Trong một thông điệp qua video, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã bày tỏ kỳ vọng vào sự hợp tác với Mỹ. Vị nguyên thủ Đức nhấn mạnh: "Chúng tôi kỳ vọng Mỹ trở lại bên chúng tôi như một đối tác không thể thiếu trong nhiều vấn đề tương lai, từ cuộc chiến chung và đoàn kết chống đại dịch COVID-19, bảo vệ khí hậu toàn cầu, vấn đề an ninh, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị đến nhiều cuộc xung đột cấp bách trên thế giới". Tổng thống Đức cũng cho rằng ngay cả những vấn đề không cùng quan điểm cũng không thể chia tách hai nước mà thúc đẩy hai nước cùng tìm kiếm những giải pháp chung. Nhân dịp này, Tổng thống Đức cũng mời ông Biden cùng Phó Tổng thống Kamala Haris sớm tới thăm Đức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Biden cùng Phó Tổng thống Harris trong ngày nhậm chức. Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert, bà Merkel mô tả việc ông Biden nhậm chức như một "lễ hội của nền dân chủ Mỹ", và kỳ vọng vào một chương mới trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Đức và Mỹ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bày tỏ "nhẹ nhõm" về việc chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng sau 4 năm dưới thời ông Donald Trump khiến quan hệ Đức-Mỹ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau chiến tranh. Phát biểu trên kênh truyền hình ZDF, Ngoại trưởng Maas nêu rõ: "Trong 4 năm qua, chúng ta đã thấy 'Nước Mỹ trước tiên' gì thế nào: Không có đồng thuận, không có tham vấn". Ông cũng bày tỏ kỳ vọng vào chính quyền mới ở Mỹ mà Đức đang rất cần để có thể ứng phó với những thách thức to lớn cũng như những cuộc khủng hoảng đương đại.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cũng bày tỏ sẵn sàng can dự mạnh mẽ hơn vào chính sách an ninh với vị tân Tổng thống Mỹ, khẳng định Đức cũng như các đối tác châu Âu - những đồng minh của Mỹ, cần phải có những bước đi vững vàng để củng cố quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương. Bà nhấn mạnh, bất chấp đại dịch COVID-19, châu Âu cũng cần đầu tư nhiều hơn nữa cho an ninh để có thể tự bảo vệ mình và có thể trở thành một đồng minh mạnh mẽ hơn của Mỹ.
Quan hệ Đức-Mỹ khá căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Trump, bởi ông Trump không coi Đức là đồng minh mà hành xử giống như một đối thủ, như với Trung Quốc và Nga, thậm chí đối phó bằng trừng phạt. Có nhiều bất đồng giữa hai bên, trong đó phải kể đến việc chi tiêu quốc phòng thấp của Đức, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga và Đức cùng vấn đề thặng dư thương mại.