Trong tuyên bố trên mạng Twitter, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg gửi lời chúc mừng bà Giorgia Meloni, đồng thời bày tỏ mong muốn được làm việc với tân Thủ tướng Italy. Ông Stoltenberg nhấn mạnh Italy là một trong những thành viên sáng lập của NATO, luôn cam kết duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và đã có những đóng góp mạnh mẽ cho an ninh của khối.
Đáp lại, bà Meloni đăng tải trên Twitter bày tỏ cám ơn và khẳng định sẵn sàng làm việc với NATO. Theo bà, đây không chỉ là một liên minh quân sự, mà còn là đại diện cho những giá trị chung các thành viên đang không ngừng bảo vệ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng bày tỏ mong muốn hợp tác mang tính xây dựng với chính phủ của bà Meloni ứng phó với những thách thức mà Liên minh châu Âu (EU) đang cùng đối mặt. Trên mạng Twitter, bà von der Leyen cho biết hai bên sẽ phối hợp để giải quyết những thách thức quan trọng hiện nay, trong đó có các vấn đề Ukraine và năng lượng.
Về phần mình, bà Meloni nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác để tăng cường năng lực ứng phó mạnh mẽ và hiệu quả của EU trước những thách thức chung.
Từ Đức, Thủ tướng Olaf Scholz bày tỏ mong muốn được làm việc chung với bà Meloni tại EU cũng như Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và NATO. Ông cũng gửi lời cảm ơn Thủ tướng mãn nhiệm Mario Draghi về mối quan hệ tốt đẹp giữa Đức và Italy trong những năm qua.
Trước đó, bà Giorgia Meloni đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy. Bà Meloni là người đứng đầu liên minh cánh hữu, gồm 3 đảng Anh em Italy (FdI), Liên đoàn và Forza Italia (FI) giành được đa số ghế trong cả hai viện của Quốc hội sau cuộc bầu cử sớm ngày 25/9.
Chính phủ của bà Meloni là chính phủ thiên hữu nhất tại Italy kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Chính phủ nhậm chức trong bối cảnh Italy phải đối mặt nhiều thách thức, cả ở cấp quốc gia và quốc tế, như lạm phát tăng, nợ công cao, khủng hoảng năng lượng, cải cách châu Âu và xung đột Ukraine. Thử thách đầu tiên của chính phủ mới là dự thảo ngân sách năm 2023 phải được thông qua vào cuối năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và lãi suất gia tăng, chính phủ sẽ ngày càng khó duy trì việc cân bằng ngân sách. Người dân Italy và cộng đồng quốc tế đang trông chờ chính phủ mới giải quyết một loạt vấn đề nóng - từ y tế, kinh tế đến quản lý Quỹ phục hồi và chống đỡ quốc gia để được EU giải ngân quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19, cũng như thực thi chính sách đối ngoại thân châu Âu, ủng hộ chủ nghĩa Đại Tây Dương và tuân thủ các cam kết quốc tế của Italy.