Bên lề Hội nghị G20, ngày 8/7/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh, giữa) cùng người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron (ảnh, trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh, phải) đã có cuộc gặp thảo luận các giải pháp cho vấn đề Ukraine. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo Điện Kremlin, các nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Đức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực chung nhằm thực thi đầy đủ và nhanh chóng nhất có thể lệnh ngừng bắn của Liên hợp quốc (LHQ). Các bên cũng nhất trí đẩy nhanh việc trao đổi thông tin về tình hình Syria.
Trong khi đó, văn phòng Thủ tướng Đức cho biết trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Pháp Macron đã hối thúc Tổng thống Putin gây "sức ép tối đa" đối với Chính phủ Syria nhằm chấm dứt xung đột tại Đông Ghouta. Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp nhấn mạnh rằng lệnh ngừng bắn là cơ sở để thúc đẩy nỗ lực tiến tới một giải pháp chính trị trong khuôn khổ tiến trình hòa đàm về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) do LHQ bảo trợ. Theo đó, Pháp và Đức sẽ tiếp tục hợp tác với Nga và các đối tác quốc tế khác nhằm đạt được mục tiêu này.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho biết nước này sẽ "nghiêm khắc ngăn chặn" bất kỳ âm mưu nào nhằm phá hoại tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng con đường chính trị sau khi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu một lệnh ngừng bắn trong 30 ngày trên khắp Syria để tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo và sơ tán y tế. Theo tuyên bố, Nga sẽ tiếp tục hợp tác với các bên tại Syria nhằm giải quyết triệt để cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua ở quốc gia Trung Đông này và xóa bỏ tận gốc mối đe dọa khủng bố.
Trước đó, HĐBA LHQ ngày 24/2 đã thông qua nghị quyết 2401 yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria trong 30 ngày để cho phép các hoạt động vận chuyển "an toàn và đều đặn" hàng viện trợ và sơ tán những người ốm hoặc bị thương ở khu vực Đông Ghouta. Nghị quyết cũng yêu cầu chấm dứt tất cả các cuộc bao vây, bao gồm ở Đông Ghouta, Yarmouk, Foua và Kefraya, đồng thời yêu cầu tất cả các bên "chấm dứt việc cướp bóc thuốc men và thực phẩm của dân thường".