Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã chúc mừng ông Starmer giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đồng thời bày tỏ cảm ơn Thủ tướng tiền nhiệm Rishi Sunak vì "sự hợp tác chặt chẽ trong những năm qua". Bà Meloni nhấn mạnh mối quan hệ giữa Italy và Vương quốc Anh "rất tuyệt vời", đồng thời tin tưởng hai nước sẽ tiếp tục vun đắp mối quan hệ hợp tác bền chặt và đáng tin cậy.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 5/7 cũng đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến ông Keir Starmer, đồng thời khẳng định mong muốn hợp tác tích cực với tân thủ tướng "xứ sở sương mù". Ông kỳ vọng sự hợp tác tích cực và mang tính xây dựng giữa hai nước sẽ củng cố hơn nữa Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ - Anh trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng chung.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng cảm ơn ông Rishi Sunak đã có những đóng góp trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ Ấn Độ - Anh.
Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Anh dưới thời chính quyền mới sau chiến thắng vang dội của Công đảng Anh đối lập trong cuộc tổng tuyển cử. Trả lời họp báo thường kỳ, ông Hayashi khẳng định: “Nhật Bản và Anh là những đối tác quan trọng chia sẻ các giá trị và nguyên tắc. Chúng tôi sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương với chính quyền mới”. Ông Hayashi cũng cho biết Tokyo sẵn sàng hợp tác với London để giải quyết các thách thức toàn cầu như cuộc xung đột Nga - Ukraine và hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Cũng trong ngày 5/7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gửi lời chúc mừng ông Starmer, đồng thời nhấn mạnh "ông ấy là người ủng hộ NATO cũng như liên minh xuyên Đại Tây Dương một cách mạnh mẽ".
Theo phóng viên TTXVN tại London, chiến thắng áp đảo của Công đảng trước đảng Bảo thủ cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử bầu Hạ viện Anh là tâm điểm của báo giới trong nước. Theo bài viết trên tờ Telegraph, Công đảng lên nắm quyền trong bối cảnh nước Anh phải đối mặt nhiều thách thức kinh tế, xã hội và chính trị sâu sắc và dai dẳng, đòi hỏi chính phủ Công đảng phải hành động nhanh chóng và triệt để. Bài viết nhấn mạnh 3 bước cần thiết để chính phủ mới của ông Keir Starmer cần phải thực hiện ngay khi nhậm chức là: khắc phục sự chia rẽ chính trị trong nước và trấn an người dân bằng cách khôi phục tăng trưởng; đẩy mạnh cải cách hành chính, bãi bỏ những quy định rườm rà để khơi thông việc xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng và nhà ở cho người dân; và xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo mới trên trường quốc tế với trọng tâm là củng cố quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ và hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) về an ninh, kinh tế vì thịnh vượng chung.
Trong khi đó, báo Economist nhận định chiến thắng của Công đảng là một kết quả tốt cho nước Anh, chấm dứt giai đoạn bất ổn chính trị và sự thắng thế của chủ nghĩa dân túy cực đoan với đỉnh điểm là cuộc bỏ phiếu đưa Anh rời khỏi châu Âu năm 2016. Tuy nhiên, bài viết cũng chỉ ra những thách thức với chính phủ mới, bao gồm sự mất niềm tin của người dân với chính phủ và các chính trị gia nổi bật. Bài viết hối thúc chính phủ mới tập trung giải quyết tình trạng năng suất trì trệ của nước Anh, cải cách hành chính để dỡ bỏ rào cản đối với tăng trưởng kinh tế.
Bài bình luận trên tờ the Guardian cho rằng dù đảng Bảo thủ thất bại nhưng vẫn có dấu hiệu tích cực khi đảng này tránh được thảm họa số ghế dưới mức 100 như nhiều cuộc thăm dò trước đó. Ngoài ra, dù Công đảng giành chiến thắng vang dội, những dấu hiệu ban đầu cho thấy tỷ lệ phiếu bầu của đảng này không tăng đáng kể so với năm 2019, đồng nghĩa tỷ lệ đa số cao tại Hạ viện không phản ánh sự ủng hộ của cử tri đối với Công đảng đã tăng mạnh. Sự chênh lệch số phiếu giữa hai đảng là kết quả của chiến dịch tranh cử hiệu quả của Công đảng và sự ủng hộ đối với đảng Bảo thủ giảm mạnh.