TITP - Những bất cập và lợi ích
Trong khi thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh thu hút lao động nhập cư, Nhật Bản cũng cần tìm cách cải thiện những bất cập còn tồn tại trong các chương trình tuyển dụng lao động nước ngoài hiện tại, trong đó đáng chú ý nhất là TITP.
Tính đến tháng 6/2019, trong số 14 nước ký bản ghi nhớ hợp tác với Nhật Bản về TITP, có tới 7 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Campuchia, Philippines, Lào, Myanmar, Thái Lan và Indonesia.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến cuối năm 2018, tổng cộng có 328.360 lao động nước ngoài đến Nhật Bản theo diện TITP, trong đó đứng đầu là Việt Nam với 164.499 người. Trung Quốc đứng thứ hai với 77.806 người. Tiếp đến là ba nước Đông Nam Á gồm Philippines (30.321), Indonesia (26.914) và Thái Lan (19.181).
Số lao động nước ngoài đến Nhật Bản theo diện TITP tăng mạnh, song cũng xuất hiện không ít những chỉ trích về việc thực chất của chương trình là cung cấp lao động giá rẻ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này. Theo Giáo sư Asato Wako của Đại học Kyoto, thường xuyên xảy ra các vụ vi phạm luật lao động trong chương trình TITP. Nguyên nhân có thể là do hầu hết các doanh nghiệp tiếp nhận lao động là những doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, rất khó khăn để tồn tại nếu không vi phạm. Một nửa trong số các doanh nghiệp sử dụng lao động là doanh nghiệp có quy mô dưới 10 người. Giáo sư Asato Wako nêu một trong những thách thức của TITP là số vụ bỏ trốn đang tăng nhanh chóng và 70% bỏ trốn là do lương thấp, trong khi trước đó tu nghiệp sinh đã trả một khoản tiền lớn để được sang Nhật Bản làm việc. TITP còn bị chỉ trích là tu nghiệp sinh hầu như không được làm các công việc có tính chất kỹ thuật nên không có kỹ năng gì sau khi hoàn thành một chương trình kéo dài ba năm.
Giáo sư Toru Shinoda thuộc Đại học Waseda cho rằng việc tiếp nhận lao động tay nghề thấp với những điều kiện cứng nhắc sẽ khiến cho lao động nhập cư không đánh giá Nhật Bản là một điểm đến làm việc hấp dẫn, có thể khiến lao động nước ngoài trở nên không mặn mà với Nhật Bản bằng các thị trường khác.
Bên cạnh đó, mặc dù TITP là chương trình đưa lao động nước ngoài sang Nhật Bản nhiều nhất hiện nay, song đây là chương trình được thiết kế với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển, theo đó lao động sang Nhật Bản với tư cách học viên học việc, tiếp thu các kỹ thuật công nghệ của Nhật Bản để về ứng dụng trong nước. Vì vậy, về mặt chính thức, đây không phải là chương trình tuyển dụng lao động nước ngoài mà là chương trình đào tạo với các điều kiện ràng buộc đối với học viên.
Theo Giáo sư Asato Wako, mặc dù bị chỉ trích nhiều, song TITP vẫn được giới doanh nghiệp Nhật Bản ủng hộ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một trong những điều khoản của TITP là không cho phép tu nghiệp sinh chuyển việc, điều này giúp doanh nghiệp đảm bảo được sự ổn định của nguồn nhân lực.
Ngày 1/11/2017, Nhật Bản ban hành luật thực tập sinh kỹ năng, thành lập Cơ quan Quản lý thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản (OTIT) với mục tiêu hỗ trợ đảm bảo quyền lợi và phát triển nguồn nhân lực theo diện thực tập sinh. Trước đó, thực hiện vai trò này là Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO), là một tổ chức tư nhân, có chức năng thanh sát các đơn vị tuyển dụng tu nghiệp sinh song lại không có quyền hạn pháp lý. OTIT ra đời theo Luật thực tập sinh kỹ năng với vai trò là tổ chức có pháp lý, có quyền hạn để thực thi những quy định trong luật này. OTIT có văn phòng tại 13 thành phố Nhật Bản gồm Tokyo, Sapporo (tỉnh Hokkaido), Miyagi (Sendai), Mito (Ibaraki), Nagano (Nagano), Aichi (Nagoya), Toyama (Toyama), Osaka, Hiroshima, Takamatsu (Kagawa), Matsuyama (Ehime), Fukuoka và Kumamoto, là những địa điểm tin cậy để rà soát năng lực của các nghiệp đoàn, công ty, giải quyết các vướng mắc giữa chủ lao động và tu nghiệp sinh, cũng như hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của thực tập sinh.
Chương trình kỹ năng đặc định - Thu hút lao động có tay nghề
Ngày 1/4/2019, Nhật Bản ban hành luật giới thiệu tư cách lưu trú mới gồm hai tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định 1” và “kỹ năng đặc định 2”.
Tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định 1” yêu cầu lao động phải có trình độ hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp cần thiết trong lĩnh vực được tuyển dụng và phải đỗ kỳ thi do các cơ quan sở, bộ, ban, ngành chức năng quy định. Yêu cầu thứ hai là phải có trình độ tiếng Nhật nhất định, đủ giao tiếp cơ bản cho cuộc sống tại Nhật Bản, trình độ tiếng Nhật sẽ được xác định bằng kết quả tham gia kỳ thi năng lực tiếng Nhật. Thời hạn của loại visa này tối đa là 5 năm. Visa này không được gia hạn và không được phép đưa thân nhân sang Nhật Bản cùng sinh sống. Visa này dành cho 14 ngành nghề gồm: xây dựng; đóng tàu và công nghiệp cơ khí máy móc tàu thuyền; sửa chữa bảo dưỡng ô tô; hàng không; lưu trú khách sạn; điều dưỡng; bảo dưỡng cao ốc; nông nghiệp; ngư nghiệp; công nghiệp chế biến đồ uống và thực phẩm; dịch vụ ăn uống; ngành công nghiệp gia công cơ khí; ngành chế tạo máy công nghiệp; ngành công nghiệp điện và điện tử.
Tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định 2” là sự nâng cấp của loại 1. Loại 2 quy định kỹ năng nghề phải đạt mức thành thạo trong lĩnh vực được tuyển dụng, được xác nhận thông qua kỳ thi do các cơ quan sở, bộ, ban, ngành chức năng quy định. Số ngành được tuyển dụng giảm từ 14 trong visa “kỹ năng đặc định 1” xuống còn 5 ngành trong visa “kỹ năng đặc định 2”, gồm xây dựng, đóng tàu và công nghiệp cơ khí máy móc tàu thuyền, sửa chữa bảo dưỡng ô tô, hàng không, lưu trú khách sạn. Tư cách lưu trú này được phép đưa gia đình sang Nhật Bản cùng sinh sống và không bị quy định thời gian lưu trú tối đa.
Luật mới cho phép lao động nước ngoài được cấp visa “kỹ năng đặc định 1” có thể xin đổi sang visa “kỹ năng đặc định 2” nếu như trình độ chuyên môn tay nghề đạt yêu cầu. Năng lực tay nghề sẽ được xác nhận bằng kỳ thi do sở, ban, ngành hoặc bộ quy định.
Ngoài ra, lao động có visa “kỹ năng đặc định 2”, nếu đáp ứng đủ điều kiện, có thể xin chuyển sang tư cách "vĩnh trú" - tức là cư trú không xác định thời hạn. Visa “kỹ năng đặc định 2” được đánh giá là gần giống với visa “vĩnh trú” với tính chất không hạn chế thời gian lưu trú. Điều khác biệt lớn nhất giữa hai loại visa này là visa “kỹ năng đặc định 2” quy định ngành được tuyển dụng, không để mở như visa “vĩnh trú”.
Giáo sư Asato Wako cho rằng chế độ visa mới là cách tiếp cận dựa trên quyền lợi của người lao động với các đặc điểm gồm tuyển dụng trực tiếp, không thông qua đơn vị trung gian; sát hạch năng lực ngôn ngữ được tiến hành trên máy vi tính; không phải là nguồn cung lao động giá rẻ vì mức lương và quyền lợi tương đương với lao động Nhật Bản và người lao động được quyền tự do chuyển việc. Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 340.000 người lao động tay nghề cao trong vòng 5 năm với chương trình kỹ năng đặc định 1 và 2.
Kỹ năng đặc định 1 và Kỹ năng đặc định 2 được giới chuyên môn Nhật Bản đánh giá là cách tiếp cận đúng đắn để hướng đến việc thu hút lao động có tay nghề từ nước ngoài đến Nhật Bản.
Từ tháng 4/2019 đến hết tháng 12/2019, Nhật Bản đã ký kết với 9 nước phái cử để thực hiện chương trình kỹ năng đặc định gồm: Việt Nam, Phillippines, Campuchia, Myanmar, Sri Lanka, Nepal, Mông Cổ, Indonesia và Uzbekistan.
Du học sinh - Sự sống của các hệ thống cửa hàng tiện lợi
Hình thức thứ ba được đánh giá là hỗ trợ nguồn lao động bán thời gian cho Nhật Bản là visa du học dành cho sinh viên nước ngoài.
Các sinh viên nước ngoài đi theo hai cách. Sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học, nộp đơn xin học các trường dạy tiếng Nhật tại Nhật Bản, sau khi hoàn thành 2 năm trường tiếng sẽ nộp đơn xin việc, chuyển sang visa đi làm. Cách thứ hai là các học sinh cấp 3 và những người chưa có bằng tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, nộp đơn học trường tiếng tại Nhật Bản, sau khi hoàn thành trường tiếng sẽ học tiếp lên cao đẳng hoặc đại học tại Nhật Bản. Hoàn thành cấp học đại học hoặc cao đẳng, các sinh viên này sẽ nộp đơn xin việc để chuyển sang visa làm việc.
Du học sinh chỉ được làm việc 28 giờ/tuần trong thời gian đi học vì vậy công việc làm thêm mà họ tìm đến chắc chắn là bán thời gian, điều này dẫn đến xu thế số lượng du học sinh làm việc tại các nhà hàng, hệ thống cửa hàng tiện lợi tăng mạnh.
Người Nhật dường như không muốn làm việc tại cửa hàng tiện lợi vì tính chất làm ca đêm, công việc nhiều nhưng lương thấp. Tuy nhiên, người nước ngoài, đặc biệt là du học sinh, không có nhiều lựa chọn. Các cửa hàng của hệ thống Lawson, Seven-Eleven, Family Mart, Ministop… có rất nhiều sinh viên nước ngoài làm việc. Chẳng hạn với Lawson, hệ thống có tới 15.000 cửa hàng trên toàn quốc, chủ yếu chọn du học sinh cho các công việc bán thời gian. Hệ thống này tuyển dụng theo phương thức du học sinh muốn tìm việc, thông báo với trường. Sau đó, trường sẽ thông báo với Lawson và hệ thống này tổ chức buổi gặp gỡ giới thiệu.
Làm việc tại các cửa hàng tiện lợi là công việc phổ biến với sinh viên nước ngoài còn vì lý do sẽ giúp du học sinh rèn luyện năng lực tiếng Nhật và cho họ thêm cơ hội tương tác với người Nhật Bản. Số lao động nước ngoài làm việc trong các cửa hàng tiện lợi tăng nhanh và những người này thường giới thiệu thêm bạn bè vào làm việc.
Giới chuyên gia nhận định chính các du học sinh đã giúp cho ngành kinh doanh nhà hàng, bán lẻ của Nhật Bản vượt qua được cuộc khủng hoảng nhân lực, đặc biệt các hệ thống cửa hàng tiện lợi, nơi tuyển dụng nhiều lao động nước ngoài làm bán thời gian nhiều hơn lao động Nhật Bản.
Bài 3: Lao động Việt Nam - nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường