Trong một báo cáo, ILO ước tính có 164 triệu lao động di cư trên khắp thế giới, gần nửa trong số này là nữ, chiếm 4,7% lực lượng lao động toàn cầu và nhiều việc làm trong các ngành nghề chăm sóc sức khỏe, vận tải, giúp việc nội trợ, nông nghiệp. Ngoài những người không thể trở về nhà do các lệnh cấm đi lại và đang trong tình trạng mắc kẹt ở nước sở tại trong tình trạng không có việc làm, hàng triệu người đã trở về quê hương.
Riêng tại Nam Á, gần một triệu lao động di cư đã hồi hương, gồm 500.000 người Nepal phải thôi việc ở Ấn Độ, hơn 250.000 người Bangladesh phải trở về từ Trung Đông, 130.000 người Indonesia, 100.000 người Myanmar và 50.000 người Philippines. Ethiopia dự báo từ nay đến cuối năm sẽ phải đón nhận từ 200.000 - 500.000 lao động di cư về nước.
Báo cáo của ILO kêu gọi các chính phủ nên áp dụng các biện pháp bảo trợ xã hội cho cả các lao động di cư trở về và đưa họ vào thị trường lao động quốc gia. Người phụ trách mảng lao động di cư của ILO, Michelle Leighton cho biết: "Có nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến bảo trợ xã hội cho đối tượng lao động này khi họ về nước. Hiện họ không thể hưởng an sinh xã hội và việc này cần sự hợp tác giữa nước gửi và nhận lao động".
Về phần mình, Giám đốc Ban các điều kiện làm việc và bình đẳng của ILO, Manuela Tomei nhấn mạnh: "Đây là một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn trong một cuộc khủng hoảng. Hàng triệu lao động di cư đã mất việc làm do lệnh phong tỏa do dịch ở nước sở tại, đang mong muốn được trở về quê hương, nơi cũng đang phải vất vả đối mặt với nền kinh tế suy yếu và thất nghiệp gia tăng". Bà Tomei kêu gọi các nước hợp tác tốt hơn để hỗ trợ người lao động di cư, nhấn mạnh rằng họ cũng có thể đem về nhà nhiều kỹ năng, có thể giúp cho nền kinh tế nước nhà tái thiết sau dịch.
Dẫn một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Tomei cho biết lượng kiều hối họ gửi về quê đóng vai trò quan trọng nuôi sống nhiều gia đình và các nền kinh tế và dự báo đến cuối năm lượng tiền này sẽ giảm 100 tỷ USD.