Thông tin trên được Nhóm các nhà hoạt động vì quyền người lao động Clean Clothes Campaign đưa ra, giữa bối cảnh dịch COVID-19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến các cửa hàng đóng cửa và nhiều nhà bán lẻ đã hủy đơn hàng hoặc yêu cầu các nhà cung cấp giảm giá sản phẩm. Điều này đe dọa nghiêm trọng sinh kế của hàng chục triệu người lao động thuộc lĩnh vực này.
Clean Clothes Campaign cho biết những công nhân ngành may mặc ở Nam Á và Đông Nam Á đang phải sống dựa vào những đồng lương ít ỏi khi họ chỉ nhận được 3/5 tổng số thu nhập thường xuyên của mình trong giai đoạn từ tháng Ba tới tháng Năm năm nay. Thậm chí, ở một số khu vực của Ấn Độ, công nhân ngành may mặc nhận được số lương ít hơn một nửa thu nhập bình thường của họ do ảnh hưởng của đại dịch.
Clean Clothes Campaign kêu gọi các thương hiệu thời trang và các nhà bán lẻ trên toàn cầu dừng việc chối bỏ trách nhiệm và đưa ra cam kết công khai để đảm bảo tất cả người lao động trong chuỗi cung ứng của họ nhận được những gì họ nợ.
Nhóm hành động này cũng cho biết, tình trạng thiếu dữ liệu đã hạn chế việc nghiên cứu tình hình của người lao động tại bảy quốc gia gồm Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan và Sri Lanka. Tuy nhiên, kết quả có lẽ không khả quan hơn các vùng có mức lương thấp khác. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng người lao động thuộc lĩnh vực may mặc trên toàn thế giới có thể đã mất 3,19 tỷ-5,79 tỷ USD trong ba tháng đầu tiên khi đại dịch bắt đầu bùng phát mạnh. Họ cũng ước tính khoảng 500 triệu USD tiền lương của người lao động đã bị nợ hoặc từ chối chi trả tại Bangladesh, và con số này tại Indonesia là hơn 400 triệu USD.
Các thương hiệu thời trang lớn bao gồm Adidas, H&M Group, Primark và Ralph Lauren, các nghiệp đoàn và Tổ chức Quốc tế về Người sử dụng lao động (IOE) đã công bố một nhóm hành động do Liên hợp quốc khởi xướng vào tháng 4/2020 để giúp các nhà sản xuất hàng may mặc trả lương cho nhân viên.