Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Y tế Lào, ông Phouthone Meuangpak nêu rõ bệnh nhân là một nam giới, 55 tuổi, quốc tịch Papua New Guinea, là nhân viên của Công ty khoáng sản Phoubia Mining, một công ty khai thác khoáng sản lớn tại Lào.
Bệnh nhân đã tới Singapore vào ngày 21/3, đến ngày 23/3 thì nhập cảnh vào Lào từ Thái Lan qua đường hàng không. Bệnh nhân đã nghỉ lại tại khách sạn, nơi bệnh nhân số 2 làm việc trước khi lên xe của công ty vào ngày 25/3. Trong thời gian đó, bệnh nhân đã tiếp xúc gần với 11 người và đã làm việc với ít nhất 100 người.
Tính đến thời điểm hiện tại, Lào đã xét nghiệm cho 604 trường hợp, trong đó có 11 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Những người này đang được điều trị tại thủ đô Viêng Chăn và Luang Prabang.
* Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã đề nghị mua 10 triệu khẩu trang y tế, 5.000 quần áo bảo hộ, 5.000 khẩu trang N95 và 1 triệu lít dung dịch sát khuẩn để phân phối cho người dân và bác sĩ trên cả nước.
Trong tin nhắn gửi tới Ủy ban Quốc gia chống COVID-19 ngày 4/4, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh dù tình hình dịch bệnh diễn biến thế nào, Campuchia cũng cần đảm bảo đủ khẩu trang, quần áo bảo hộ và dung dịch sát khuẩn tránh để các bác sĩ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế Campuchia sáng 5/4 đã xác nhận không phát hiện thêm ca mắc COVID-19 mới nào và có thêm 1 bệnh nhân hồi phục. Tính đến ngày 5/4, Campuchia tổng cộng có 114 ca mắc COVID-19, trong đó 50 bệnh nhân đã hồi phục.
* Đài NHK dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết ngày 5/4, thủ đô Tokyo đã ghi nhận hơn 143 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là số ca nhiễm tăng mạnh nhất trong một ngày, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại thành phố này lên 1.034 ca.
Thị trưởng thành phố Tokyo Yuriko Koike đã hối thúc người dân ở nhà, tránh việc ra ngoài không cần thiết trong bối cảnh số ca nhiễm tại thành phố 13 triệu dân này không ngừng tăng lên trong những ngày qua. Trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, Chính phủ Nhật Bản ngày càng nhận được nhiều lời kêu gọi ban bố tình trạng khẩn cấp.
Theo trang web chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 16h00 ngày 5/4 (theo giờ Việt Nam), Nhật Bản có tổng cộng 3.139 ca nhiễm và 77 ca tử vong.
* Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, do nhu cầu đối với mặt hàng vệ sinh như nước rửa tay và dụng cụ xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày càng tăng, xuất khẩu các sản phẩm này của Hàn Quốc trong tháng trước tăng vọt.
Số liệu của Bộ Thương mại Hàn Quốc cho thấy kim ngạch xuất khẩu nước rửa tay đã tăng 7 lần, đạt 5,69 triệu USD trong tháng 3, tương đương 84% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong cả năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu bộ dụng cụ xét nghiệm SARS-CoV-2 và một số sản phẩm xét nghiệm khác cũng tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 48,65 triệu USD. Năm 2019, tổng kim ngạch các sản phẩm xét nghiệm của Hàn Quốc đã giảm 45% so với năm 2018, chỉ đạt 217 triệu USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu khẩu trang của Hàn Quốc trong tháng 3 chỉ ở mức 0, khi chính phủ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này.