Theo đó, chính quyền tỉnh Viêng Chăn đang phong tỏa nhiều bản thuộc huyện Phonhong liên quan đến chuỗi lây nhiễm đầu tháng 7 này, đồng thời thiết lập các điểm cách ly mới để tiếp nhận người bệnh hoặc giám sát y tế người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Tỉnh Salavan sau khi ghi nhận 1 ca lây nhiễm tại huyện Khongsedon cũng đã phong tỏa một số bản có nguy cơ cao tại huyện này đến ngày 31/7. Theo đó, người dân không được đi lại tự do, cửa ngõ mỗi địa phương cũng có điểm kiểm soát lưu động để giám sát việc thực hiện phòng chống dịch.
Ở tỉnh Champasak tại Nam Lào, một số bản cũng được đưa vào diện đỏ do lo ngại nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời, những ngày qua, số lượng ca bệnh là người lao động trở về từ Thái Lan tại tỉnh Champasak tăng cao đã gây áp lực cho hệ thống phòng ngừa và giám sát y tế. Cơ quan chức năng cũng được yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ khu vực biên giới với hai nước là Thái Lan và Campuchia để ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp mang theo nguy cơ lây nhiễm dịch vào cộng đồng.
Liên quan tình hình dịch COVID-19, Bộ Y tế Lào ngày 8/7 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 69 ca nhiễm mới, trong đó trường hợp là lao động nhập cảnh từ Thái Lan được cách ly ngay tại các tỉnh và chỉ có 1 ca cộng đồng tại tỉnh Luang Namtha. Thủ đô Viêng Chăn - tâm điểm của làn sóng dịch thứ 2 - tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng trong nhiều ngày qua.
Bộ Y tế Lào cho biết ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chính phủ nước này đang tiếp tục tìm kiếm các nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, nhân viên tuyến đầu, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Lào.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.469 ca nhiễm, trong đó 3 người tử vong.