Cụ thể, trong số 25 ca nhiễm mới, tỉnh Viêng Chăn có tới 13 ca lây nhiễm trong cộng đồng, thủ đô Viêng Chăn có 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng; các trường hợp còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác.
Theo Bộ Y tế Lào, các ca lây nhiễm trong cộng đồng ở tỉnh Viêng Chăn đều liên quan đến chuỗi lây nhiễm trước đó từ thủ đô Viêng Chăn. Như vậy, dịch có xu hướng lan rộng ra các tỉnh ngoài thủ đô Viêng Chăn, cho thấy dịch vẫn còn nguy cơ bùng phát trong cộng đồng. Trong khi đó, Lào đang lo ngại nguy cơ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm hơn xâm nhập nước này.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào khuyến cáo người dân tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch; nhanh chóng thông báo cho chính quyền nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ nhập cảnh bất hợp pháp để có biện pháp xử lý kịp thời.
* Ngày 28/6, Myanmar ghi nhận 1.225 ca nhiễm mới và 12 ca tử vong do COVID-19. Theo đó, tổng số ca nhiễm tại Myanmar tăng lên 154.5 ca, trong đó có 3.309 ca tử vong.
Truyền thông nhà nước Myanmar đã ghi nhận tồn tại 3 biến thể của virus SARS-CoV-2 tại nước này, trong đó có biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.
* Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định kéo dài quy định hạn chế đi lại và kinh doanh ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận đến giữa tháng 7 tới, đồng thời duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt ở các khu vực miền Trung và miền Nam.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm tại thủ đô đã giảm so với mức đỉnh hồi tháng 4, song tại một số tỉnh đang gia tăng trở lại. Các địa điểm vui chơi giải trí, công viên và các môn thể thao tiếp xúc đều bị cấm tại thủ đô và các tỉnh lân cận, trong khi nhà hàng, phòng tập và các điểm du lịch trong không gian kín được phép đón khách tương đương 40% công suất phục vụ.
Ngoài ra, Philippines cũng kéo dài lệnh cấm nhập cảnh từ Oman, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và hầu hết các quốc gia Nam Á nhằm ngăn chặn các biến thể lây lan nhanh.