Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 25/3, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã yêu cầu người dân tuân thủ mọi biện pháp phòng ngừa của Bộ Y tế, hạn chế tiếp xúc xã hội đồng thời cân nhắc trước khi có ý định di chuyển tới các địa phương khác. Thủ tướng Lào cũng yêu cầu các cơ quan hạn chế tối đa việc họp hành hoặc tổ chức các hoạt động đông người, áp dụng hình thức làm việc tại nhà và giao tiếp trực tuyến nếu điều kiện cho phép.
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động Lào tại các nước láng giềng, chủ yếu ở Thái Lan trở về nước rất đông, đặt ra thách thức lớn cho các nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat đã công bố gói ngân sách bổ sung thứ hai, gọi là gói Ngân sách phục hồi, nhằm đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 gây ra. Theo đó, gói ngân sách này lên tới 48,4 tỷ SGD (33 tỷ USD) và tập trung vào 3 mục tiêu chính gồm duy trì việc làm, hỗ trợ người lao động và đảm bảo mức sống người dân; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trước mắt; và củng cố, tăng cường năng lực tự phục hồi xã hội và kinh tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, chính phủ sẽ phân bổ 15,1 tỷ SGD cho Gói hỗ trợ việc làm, tăng hơn 10 lần so với gói hỗ trợ tương tự được công bố trong Ngân sách 2020. Gói hỗ trợ này sẽ giúp các doanh nghiệp và công ty duy trì được 1,9 triệu lao động. Ngoài ra, gói hỗ trợ SEP (những cá nhân tự kinh doanh) trị giá 1,2 tỷ SGD sẽ cung cấp cho mỗi cá nhân tự kinh doanh đủ điều kiện khoản tiền 1.000 SGD/tháng trong vòng 9 tháng, kéo dài đến tháng 12/2020.
Chính phủ Singapore cũng triển khai Sáng kiến SGUnited Jobs với mục tiêu tạo ra thêm 10.000 việc làm trong năm tới, trong đó, lĩnh vực dịch vụ công sẽ tăng cường các kế hoạch tuyển dụng đối với cả các vị trí việc làm tạm thời trong ngắn hạn và cả các vị trí lâu dài. Chính phủ cũng sẽ có những linh động hơn đối với chương trình ComCare để giúp đỡ, hỗ trợ những công dân Singapore bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cũng như sẽ tạm dừng thu tất cả các loại thuế và phí đối với toàn bộ các dịch vụ của chính phủ trong vòng 1 năm bắt đầu từ ngày 1/4/2020 và kéo dài đến ngày 31/3/2021.
Để có nguồn vốn thực hiện các biện pháp này, Chính phủ Singapore đã kiến nghị và được sự chấp thuận về mặt nguyên tắc của Tổng thống Halimah Yaacob về việc trích khoảng 17 tỷ SGD từ ngân sách dự trữ quốc gia để cấp vốn cho gói Ngân sách phục hồi. Với gói ngân sách này, Singapore đã dành tới gần 55 tỷ SGD (chiếm tới gần 11% GDP) để triển khai các biện pháp đối phó với hậu quả nặng nề mà đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra.
Theo ông Heng Sweet Keat, đại dịch COVID-19 đã đẩy Singapore vào một cuộc “khủng hoảng phức tạp, chưa từng có” và được xem là “sự suy giảm kinh tế tồi tệ nhất” kể từ khi nước này giành độc lập. Cũng trong sáng 26/3, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng chính thức của Singapore xuống còn từ -4% đến -1%.
Việc trích nguồn vốn từ nguồn ngân sách dự trữ quốc gia của Singapore là vô cùng hãn hữu và chỉ mới được thực hiện duy nhất một lần trước đây trong thời gian diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Khi đó, Tổng thống S. R. Nathan đã chấp thuận việc trích 4,9 tỷ SGD để cấp vốn cho các biện pháp hỗ trợ.
Chiều cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Malaysia phát thông cáo cho biết Nội các nước này quyết định đóng góp 2 tháng lương của Thủ tướng, Bộ trưởng và Thứ trưởng để ủng hộ Quỹ COVID-19. Tổng đóng góp của Nội các Malaysia cho quỹ COVID-19 lên tới hơn 1,77 triệu RM.
Quỹ COVID-19 được thành lập vào ngày 11/3 và đặt dưới sự quản lý của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia, đã được Chính phủ Malaysia rót vốn ban đầu là 1 triệu RM và kêu gọi sự quyên góp của người dân nhằm giúp đỡ những người do cách ly bởi đại dịch COVID-19 bị mất đi nguồn thu nhập. Tới tối 25/3, Quỹ này đã huy động được gần 8,5 triệu RM (hơn 2 triệu USD).
Còn tại Philippines, Hiệp hội y khoa Philippines ngày 26/3 thông báo cho đến nay ở nước này ghi nhận 9 bác sĩ tử vong do dịch COVID-19 trong bối cảnh các bệnh viện bị quá tải và đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu thiếu đồ dùng bảo hộ.
Trước đó, ngày 25/3, ba bệnh viện lớn ở thủ đô Manila thông báo đã hoạt động hết công suất và không thể tiếp nhận thêm các ca mắc bệnh. Hiện hàng trăm nhân viên y tế phải nghỉ việc bởi họ đang tự cách ly 14 ngày do nghi mắc bệnh. Tính tới ngày 24/3, Philippines mới xét nghiệm được cho gần 2.000 người trong số những người có những triệu chứng mắc bệnh nặng và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người lớn tuổi, người có tiền sử bệnh tật và phụ nữ mang thai.