Theo đài RT (Nga), Washington đã đưa ra "quyết định thận trọng" khi rút hai tàu khu trục của Hải quân Mỹ khỏi Biển Đen vào tháng 1 năm nay, và việc đưa các tàu này quay trở lại sẽ được quyết định dựa trên các cân nhắc về an ninh quốc gia - Lầu Năm Góc cho biết ngày 30/3.
Tại cuộc họp giao ban hàng ngày của Lầu Năm Góc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng John Kirby nói với các phóng viên rằng Hải quân Mỹ “thường xuyên” di chuyển các tàu ra vào Biển Đen.
Ông Kirby bình luận về tiết lộ của người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu, Tướng Tod Wolters, trước đó cùng ngày, khi ông phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ rằng hai tàu khu trục đã được rút lui do tình hình xấu đi ở Ukraine.
Mỹ hiện không có tàu nào ở Biển Đen, nhưng nên quay trở lại khu vực này “càng sớm càng tốt"
- Tướng Wolters nêu ý kiến trước Quốc hội.
Hiện tại, quân đội Mỹ đã điều các máy bay bay ở phía nam và máy bay không người lái trên vùng phía bắc Biển Đen.
Người phát ngôn Kirby nói với các phóng viên rằng, rút tàu chiến khỏi Biển Đen là điều “thận trọng” cần làm vào thời điểm đó. “Phải nói rõ với mọi người rằng Mỹ không quan tâm đến việc gây sức ép một cuộc xung đột bằng một quyết định tình thế nào đó mà chúng tôi đưa ra.”
Ông Kirby không có thông tin về việc các tàu chiến Mỹ có thể quay trở lại Biển Đen hay không, nhưng nói rằng quyết định như vậy sẽ được đưa ra "vì lợi ích tốt nhất cho an ninh quốc gia của chúng tôi, của các đồng minh và đối tác của chúng tôi."
Nga đã đưa quân vào Ukraine vào cuối tháng 2, sau 7 năm bế tắc mà Moskva cho là do Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk và chấm dứt xung đột với các khu vực Donetsk và Lugansk. Nga cuối cùng đã công nhận hai khu vực này là các quốc gia độc lập.
Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass bằng vũ lực.