Lễ hội nhân sâm Geumsan thường được tổ chức vào mùa Thu, mùa thu hoạch nhân sâm hằng năm. Trung tâm lễ hội năm nay được chia thành nhiều khu vực khác nhau, gồm hội trường họp báo, hội nghị, phố đi bộ, sân khấu biểu diễn âm nhạc, chợ nhân sâm, khu vui chơi và văn hóa ẩm thực. Phố đi bộ trong khu vực lễ hội, nơi du khách có thể trải nghiệm nhiều trò chơi trong nền văn hóa nhân sâm của Geumsan.
Khu vực trải nghiệm các tác dụng của nhân sâm đối với sức khỏe con người, trong đó có trải nghiệm ngâm chân, đắp mặt nạ hay làm thuốc tiêu hóa bằng thảo dược. Khu vực trải nghiệm trò chơi truyền thống phong phú đa dạng từ các trò chơi dân gian cho đến các trò chơi công nghệ AI robot và trò chơi điều khiển thiết bị bay không người lái.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Thị trưởng Geumsan, ông Park Beom In cho biết: “Tại lễ khai mạc Lễ hội năm 2023, chúng tôi đã chính thức tuyên bố Geumsan là kinh đô nhân sâm của thế giới. Kể từ dấu mốc quan trọng này, chúng tôi đã không ngừng mở rộng cánh cửa quảng bá thương hiệu ra toàn cầu”. Điều đặc biệt là Geumsan đã khai mở được thị trường Mỹ.
Theo ông Park, thành quả đáng kinh ngạc đã đến, chỉ trong vòng 6 tháng, giá trị xuất khẩu nhân sâm của Hàn Quốc đã đạt 5 tỷ won (3,7 triệu USD) tính riêng tại thị trường Mỹ. Tiếp nối thành công đó, hàng loạt hợp đồng có giá trị được ký kết, khẳng định vị thế vững chắc của nhân sâm Geumsan trên bản đồ thương mại quốc tế.
Geumsan là nơi thu hoạch và bán 70% sản lượng nhân sâm của Hàn Quốc. Đây là nơi lý tưởng để khách hàng mua các sản phẩm nhân sâm chất lượng. Sau khi mua nhân sâm và thảo dược làm thuốc chất lượng, du khách có thể thưởng thức các món ăn ngon tại địa phương, nổi bật là món nhân sâm chiên giòn và rượu gạo nhân sâm thô trên phố.
Mở cửa vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22 và 27 hằng tháng, Chợ Ginseng Yanggnyeong ở Geumsan là chợ thảo dược lớn nhất ở miền Trung Hàn Quốc.
Geumsan có sự dao động lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm, tạo điều kiện tối ưu để trồng nhân sâm. Do đó, so với nhân sâm của các vùng khác, nhân sâm Geumsan có kích thước nhỏ, nhưng lại dày đặc và có hàm lượng saponin cao hơn nhiều, thành phần chính của nhân sâm. Vì mỗi trang trại đều bảo tồn kỹ thuật canh tác thân thiện với thiên nhiên bằng phương pháp thu hoạch thủ công, nên được công nhận là di sản và hệ thống nông nghiệp nhân sâm truyền thống Geumsan đã được đưa vào danh sách các Hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu (LGIAHS).
Ngành công nghiệp nhân sâm chính là mạch sống của nền kinh tế Geumsan. Hơn một nửa lực lượng lao động trong vùng gắn bó mật thiết với các hoạt động liên quan đến loại đặc sản quý giá này. Ấn tượng hơn nữa, ngành nhân sâm đóng góp tới 40% tổng giá trị kinh tế địa phương - một con số minh chứng cho tầm quan trọng không thể thay thế của ngành công nghiệp này.