Tờ báo hàng đầu của Pháp “Le Monde” đưa tin các cơ quan tình báo nước này đã đưa vào sử dụng một mạng lưới thu thập giám sát điện tử khổng lồ. Theo nhật báo trên, cơ quan tình báo đối ngoại Direction Generale de la Securite Exterieure (DGSE) của Pháp thu thập một cách có hệ thống thông tin về tất cả dữ liệu điện tử của máy tính và điện thoại được gửi đi bên trong nước này, cũng như những liên lạc giữa Pháp và nước ngoài. Biểu tượng Cơ quan tình báo đối ngoại DGSE của Pháp. Ảnh: Internet |
Theo đó dữ liệu về “tất cả thư điện tử, tin nhắn SMS, cuộc thoại, bài đăng trên Facebook và Twitter” đều được thu thập và lưu trữ tại một boongke ngầm sâu ba tầng tại tổng hành dinh của DGSE ở thủ đô Paris.
Tờ báo cũng nói rõ rằng thông tin lưu lại là siêu dữ liệu liên lạc, như thời điểm cuộc gọi và vị trí người gửi thư điện tử, chứ không chỉ nội dung. Các cơ quan tình báo khác của Pháp, trong đó có tình báo quân sự, tình báo nội địa, cảnh sát Paris và một lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm tài chính, có thể tiếp cận kho dữ liệu khổng lồ với dung lượng đến hàng chục triệu gigabyte này.
Tờ báo đã so sánh chương trình trên của Pháp với PRISM, chương trình giám sát điện tử của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Tuy nhiên, PRISM dường như nhằm cho phép các gián điệp Mỹ bóc tách thông tin từ máy chủ của những công ty ở Thung lũng Silicon, trong khi chương trình của DGSE dường như có được thông tin từ việc chặn dữ liệu điện tử trên thế giới với quy mô lớn. Ngoài ra, PRISM có vẻ như được sử dụng để khai thác nội dung, chứ không chỉ siêu dữ liệu.
Chương trình giám sát của Pháp dựa vào các vệ tinh do thám, nghe các trạm phát sóng ở những vùng lãnh thổ của Pháp ở nước ngoài hay thuộc địa cũ của Pháp như Gibuti, cũng như thông tin thu được từ các tuyến cáp dưới biển. NSA từ lâu đã quen thuộc với cả ba phương pháp này.
T.N (Theo AP)