Phát biểu trong buổi họp báo cùng ngày ở thủ đô La Habana để công bố dự thảo nghị quyết chống lệnh cấm vận thường niên dự kiến sẽ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) vào tháng 5/2021, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nêu rõ, kể từ tháng 4/2019 tới tháng 3/2020, lệnh cấm vận của Mỹ đã gây thiệt hại cho Cuba khoảng 5,57 tỷ USD, cao hơn 1,226 tỷ USD so với giai đoạn một năm trước đó. Bộ trưởng Rodriguez nhấn mạnh những thiệt hại tích lũy trong gần 6 thập kỷ qua đã lên tới con số khổng lổ 144,413 tỷ USD. Đối với một nền kinh tế nhỏ như Cuba thì đây là một “gánh nặng thực sự”.
Cũng theo Ngoại trưởng Rodriguez, Washington đã tăng cường các biện pháp trừng phạt mới giữa lúc xảy ra đại dịch COVID-19. Đây là “hành động diệt chủng” và “chiến tranh kinh tế”. Vì lệnh cấm, Cuba đã không thể mua được các thiết bị y tế thiết yếu để đối phó với dịch bệnh, như các bộ xét nghiệm, kính bảo hộ, găng tay, quần áo bảo hộ, khẩu trang, thuốc thử và thậm chí cả máy trợ thở cơ học.
Nghị quyết chống lệnh cấm vận mà Cuba dự kiến trình ĐHĐ LHQ không mang tính ràng buộc. Nghị quyết lên án chính sách cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đơn phương của Mỹ. Nghị quyết thường được trình vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế bỏ phiếu yêu cầu Mỹ chấm dứt các lệnh cấm vận phi lý đã áp đặt đối với Cuba suốt hơn 60 năm qua. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, Chính phủ Cuba buộc phải lùi thời điểm đệ trình lần tới, lần thứ 29, tới tháng 5/2021.
Quan hệ giữa Mỹ và Cuba từng có dấu hiệu tan băng sau khi hai nước chính thức nối lại quan hệ ngoại giao năm 2015, dưới thời của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, sau đó mọi việc lại trở nên xấu đi khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền với chính sách đảo ngược các nỗ lực hàn gắn trước đó của người tiền nhiệm.