“Nếu mọi quốc gia đều áp đặt các hạn chế xuất khẩu, điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”, Bộ trưởng Lương thực và Nông nghiệp Đức Cem Ozdemir chỉ trích Ấn Độ sau khi nước này công bố lệnh cấm xuất khẩu lúa mì vào tháng 5.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho rằng lệnh cấm xuất khẩu của nước này sẽ không ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu vì họ không phải quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá quyết định của New Delhi vẫn khiến giá lúa mì leo thang, gây nguy cơ mất an ninh lương thực, trong bối cảnh thị trường hàng nông sản toàn cầu đang chịu sức ép lớn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Vào ngày 13/5, Ấn Độ đã công bố áp lệnh cấm xuất khẩu lúa mì sau khi thời tiết nắng nóng bất thường ảnh hưởng đến mùa vụ, khiến giá lúa mì trong nước tăng vọt. Mặc dù không phải là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn, song động thái của Ấn Độ đã gây bất ổn cho thị trường toàn cầu, khiến chỉ số lúa mì chuẩn Chicago tăng gần 6%. Giá của một số loại lúa mì chính cũng tăng trong nhiều ngày, đạt mức cao nhất vào ngày 17-18/5.
Sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra, giá lúa mì và một số loại lương thực khác trên thế giới đã tăng trong suốt tháng 3 và tháng 4. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do chiến dịch quân sự của Nga cũng khiến hàng triệu tấn lúa mì của Ukraine không thể xuất khẩu. Đây là một trong những quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Ông Kelly Goughary, nhà nghiên cứu của Công ty dữ liệu Nông nghiệp Gro Intelligence, giải thích lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ sẽ góp phần thúc đẩy giá của mặt hàng này tăng cao hơn vì sau khi lượng xuất khẩu từ khu vực Biển Đen sụt giảm, người mua toàn cầu sẽ phụ thuộc vào nguồn cung từ Ấn Độ.
Ấn Độ là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới, nhưng chỉ chiếm gần 1% thương mại lúa mì toàn cầu. Quốc gia này chủ yếu dự trữ lúa mì để cung cấp cho người nghèo.
Tuy nhiên, ngay trước khi Ấn Độ công bố lệnh cấm, nước này đã đặt mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu với việc vận chuyển kỷ lục 10 triệu tấn lúa mì trong năm nay – gấp 5 lần so với chỉ 2 triệu tấn vào năm ngoái. New Delhi cũng đang là nhà cung cấp lúa mì cho các thị trường mới ở châu Á và châu Phi. Ngay cả sau lệnh cấm, một số quốc gia cho biết họ đang liên hệ với Ấn Độ để tiếp tục nhập khẩu mặt hàng này.
Ấn Độ cũng tuyên bố rằng họ vẫn sẽ xuất khẩu lúa mì cho một số quốc gia và nước này sẽ “tiếp tục hỗ trợ các nước láng giềng trong thời điểm cấp thiết”. Các thị trường xuất khẩu lúa mì hàng đầu của Ấn Độ là Bangladesh, Nepal và Sri Lanka cũng như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Theo dữ liệu từ Đài quan sát phức hợp kinh tế (OEC), trong năm 2019-2020, Sri Lanka và UAE nhập khẩu hơn 50% lúa mì từ Ấn Độ, Nepal nhập khẩu hơn 90%. Hiện vẫn chưa rõ liệu các nước này còn mua lúa mì của Ấn Độ theo các hợp đồng hiện có hay sẽ nhận được nguồn cung theo các thỏa thuận trong tương lai.
Tuy nhiên, Ai Cập cho biết nước này vẫn sẽ tiếp tục mua lúa mì của Ấn Độ. Ai Cập là một trong những nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất trên toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi Ấn Độ cân nhắc lại lệnh cấm xuất khẩu. Tổ chức này cho rằng New Delhi đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng lúa mì hiện nay, đặc biệt với những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến sự ở Ukraine.
Song theo giới chuyên gia, ngoài xung đột Nga – Ukraine, thời tiết cũng đang tác động đến một số nhà xuất khẩu lúa mì lớn. Nhà phân tích Kelly Goughary tại Công ty Gro Intelligence cho biết: “Hạn hán, lũ lụt và sóng nhiệt đang đe dọa mùa màng ở một số nhà sản xuất lúa mì lớn khác, như Mỹ, Canada và Pháp”.
Theo dự báo của Chính phủ Mỹ, sản lượng lúa mì toàn cầu trong giai đoạn 2022-2023 sẽ ở mức thấp nhất trong 4 năm và dự trữ lúa mì toàn cầu sẽ ở mức thấp nhất trong 6 năm.
Gro Intelligence đã ước tính giá phân bón toàn cầu đã tăng gấp 3 lần trong năm qua, có nguy cơ làm giảm đáng kể năng suất cây trồng trong năm nay. Công ty dữ liệu nông nghiệp này cũng ước tính rằng do nhiều yếu tố kết hợp, nguồn dự trữ lúa mì toàn cầu đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Hồi tháng 3, Trung Quốc - nhà sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới với dân số khổng lồ - cho rằng vụ đông của nước này có thể là vụ “tồi tệ nhất trong lịch sử” vì lượng mưa lớn vào năm 2021. Hiện vẫn chưa chắc chắn về tình trạng thực tế của vụ thu hoạch này và liệu nó có tác động nặng nề hay không. Nhưng nếu kịch bản này xảy ra, Trung Quốc có thể tìm cách thu mua lúa mì từ các thị trường khác trên thế giới để dự trữ, đảm bảo nguồn cung và điều đó sẽ đẩy giá lúa mì tăng cao.