Theo ông Konstantin Eggert, nếu nhìn qua dường như lệnh trừng phạt của Nhà Trắng khiến căng thẳng với Moskva leo thang, đặc biệt là kèm theo việc trục xuất 10 nhân viên ngoại giao Nga, nhưng đây là động thái “giơ cao đánh khẽ”.
Ông Konstantin Eggert nhấn mạnh đến việc tờ The New York Times từ ngày 14/4 đã đăng tải khá chi tiết về lệnh trừng phạt trước cả khi được xác nhận chính thức cho thấy đây không phải cuộc ra đòn bất ngờ.
Những lệnh trừng phạt mới của Mỹ được cho không gây nhiều ảnh hưởng tức khắc nhưng cũng vạch ra “lằn ranh đỏ” cho tương lai.
Một điều đáng chú ý khác là trong thời điểm này Mỹ cũng triệu hồi hai chiến hạm được cử tới Biển Đen. Trong khi đó, phía Nga ngày 16/4 thông báo sẽ hạn chế hoạt động hàng hải của các tàu quân sự và tàu treo cờ nước ngoài qua lại vùng lãnh hải thuộc quốc gia này trên Biển Đen đến tháng 10.
Chỉ vài ngày trước khi Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt, hôm 13/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladmir Putin đã thống nhất gặp gỡ trực tiếp tại một nước thứ ba trong những tháng tới.
Tờ Moskovsky Komsomolets (Nga) trong khi đó đăng một bài phân tích cho rằng việc Mỹ công bố lệnh trừng phạt chỉ một thời gian ngắn sau khi Tổng thống Biden đề nghị tổ chức cuộc gặp tới người đồng cấp Nga thực chất là một chiến thuật của Washington bắn tín hiệu trái ngược đến Moskva. Ông Mikhail Rostovsky cho rằng đây là hình thức “thao túng tinh thần”.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết nước này sẽ có “biện pháp đáp trả trong thời gian gần” trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngày 16/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích Mỹ cho rằng “việc Mỹ bị ám ảnh bởi các lệnh trừng phạt là không chấp nhận được”.
Cùng ngày 16/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moskva sẽ yêu cầu 10 nhân viên ngoại giao Mỹ rời khỏi nước này.