Leo thang căng thẳng ngoại giao Đức - Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 19/8 đã lên tiếng chỉ trích phản ứng của giới chức Đức về việc ông kêu gọi cử tri gốc Thổ Nhĩ Kỳ không bỏ phiếu cho cả 2 đảng trong liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 9 tới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) tại Hội nghị G20 ở Hamburg, Đức, ngày 7/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Trước đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã kịch liệt chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có "hành động can thiệp chưa từng thấy" vào chủ quyền của Đức.
      
Phát biểu trước những người ủng hộ ở tỉnh Denizli, phía Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cho rằng Ngoại trưởng Đức "không biết giới hạn". Ông cũng tiếp tục kêu gọi cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, ước tính khoảng 1,2 triệu người, không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng như đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24/9 tới, do cho rằng các chính đảng này "đang mở chiến dịch chống Thổ Nhĩ Kỳ".

Ông Erdogan còn nhấn mạnh Ankara sẽ hợp tác với các quốc gia rộng cửa đón chào Thổ Nhĩ Kỳ và ngược lại sẽ mở cửa chào đón các nước này tới Thổ Nhĩ Kỳ.
         
Ngày 18/8, Tổng thống Erdogan đã đưa ra lời kêu gọi tương tự, khiến chính quyền Berlin vô cùng sửng sốt. Người phát ngôn của Thủ tướng Merkel bày tỏ trên trang Twitter "mong muốn các chính phủ nước ngoài không can thiệp vào các công việc nội bộ của chúng tôi".
        
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng kể từ khi Berlin không cho phép các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức để vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 4 năm nay.

Mâu thuẫn tiếp tục leo thang khi chính quyền Ankara từ chối các nghị sĩ Đức đến thăm binh lính đóng quân tại các căn cứ không quân Incirlik và Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một nhóm các nhà hoạt động xã hội, trong đó có một công dân Đức, do tình nghi người này thuộc một tổ chức mà chính quyền Ankara cho là khủng bố.

Hôm 7/8 vừa qua, Tổng thống Erdogan tiếp tục cáo buộc Đức "hỗ trợ khủng bố" khi không trả lời các hồ sơ chuyển tới Berlin hoặc giao nộp những "nghi phạm khủng bố" mà phía Ankara yêu cầu.

TTXVN/Tin Tức
Châu Âu hưởng lợi lớn nếu kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ?
Châu Âu hưởng lợi lớn nếu kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ?

Mặc dù quá trình đàm phán gặp bế tắc do Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xa cách nhau, nhưng theo chuyên gia, EU sẽ vẫn được hưởng lợi rất lớn nếu kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN