Theo đó, chiến dịch có tên "Humanly Could" nhằm mục đích tăng cường nỗ lực tiêm chủng trên toàn thế giới.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nhấn mạnh rằng nhờ tiêm chủng, hiện nay ngày càng nhiều trẻ em trên thế giới sống sót và phát triển sau 5 tuổi so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định rằng vaccine là một trong những phát minh mạnh mẽ nhất trong lịch sử và các sáng kiến tiêm chủng toàn cầu đã chứng tỏ tiềm năng lớn của những chế phẩm này. Ông nêu ví dụ, nhờ có vaccine, bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ, bệnh bại liệt gần như bị loại trừ và với sự phát triển mới đây của vaccine phòng bệnh sốt rét và ung thư cổ tử cung, con người đang đẩy lùi được nhiều bệnh tật.
Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt đăng trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh), các nhà khoa học nhận định nỗ lực tiêm chủng toàn cầu đã cứu được khoảng 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua, trong đó có 101 triệu trẻ sơ sinh. Điều này đồng nghĩa với việc cứ mỗi phút có 6 người được cứu sống. Nghiên cứu do WHO dẫn đầu này đã nhấn mạnh đến đóng góp của tiêm chủng trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, trong đó vaccine phòng bệnh sởi được ghi nhận có tác động đáng kể.
Tiến sĩ Sania Nishtar, Giám đốc điều hành của GAVI, đã nhấn mạnh đến thành tựu của liên minh này trong hơn 20 năm qua, theo đó các chiến dịch tiêm chủng đã giúp bảo vệ hơn 1 tỷ trẻ em, giảm 50% tỷ lệ tử vong ở trẻ em ở các quốc gia và cung cấp hàng tỷ USD lợi ích kinh tế.
Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới nhằm mục đích mở rộng khả năng bảo vệ đối nhiều người và cộng động hơn trên toàn thế giới trước các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine.