Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong một cuộc họp báo trực tuyến, ông Rupert Colville, phát ngôn viên của OHCHR, khẳng định thực trạng này rõ ràng đe dọa tính mạng của người di cư. Nhiều quốc gia đã từ chối tiếp nhận hoặc hỗ trợ các tàu, thuyền mang chở theo người di cư đi qua Địa Trung Hải - tuyến đường di cư được xem là nguy hiểm nhất thế giới.
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), hơn 10.000 người di cư đã cố gắng vượt qua Địa Trung Hải trong năm 2019 và ít nhất 1.200 người đã thiệt mạng. Kể từ đầu năm 2020, khoảng 250 người di cư đã bỏ mạng trên vùng biển này. Riêng trong quý I/2020, các chuyến tàu, thuyền mang theo người di cư khởi hành từ Libya đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều cuộc gọi đề nghị hỗ trợ đã không được trả lời hoặc bị bỏ qua. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do người di cư có thể đe doạ nỗ lực của nước sở tại trong đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trước đó một ngày, Tổng Giám đốc IOM Antonio Vitorino đã lên tiếng cảnh báo các lán trại người di cư đang "rất có khả năng" làm lây lan dịch bệnh COVID-19 khi có hàng nghìn người di cư mắc kẹt trên thế giới. Tại các khu vực Đông Nam Á, Đông Phi và Mỹ Latinh, nhiều người di cư dù muốn, nhưng không thể trở về nước do các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới được áp đặt nhằm khống chế đà lây lan của dịch COVID-19.
Nhiều người đã bị mắc kẹt trong hành trình di cư của mình, phải sống tạm bợ tại các khu vực biên giới trong điều kiện vô cùng khó khăn và không được tiếp nhận những chăm sóc tối thiểu nhất, đặc biệt là tầm soát sức khỏe. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội trong những đám đông người di cư này là điều "không thể", chưa kể việc tiếp cận nguồn nước sạch và vệ sinh cũng là một thách thức lớn. Nhấn mạnh dịch COVID-19 có thể lây lan trong các trại di cư sẽ gây ra tác động lớn và đây là "một mối lo ngại nghiêm trọng", ông Vitorino cho biết IOM đang kêu gọi chính phủ các nước cho phép các nhân viên hỗ trợ được tiếp cận các nhóm người di cư lớn đang tập trung gần các khu vực biên giới.
IOM quản lý khoảng 1.100 trại di cư trên thế giới và đã hỗ trợ khoảng 2,4 triệu người trong năm ngoái. Tới nay đã có khoảng 220 trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận trong các trại di cư do IOM quản lý tại Hy Lạp và những người này đã được điều trị tại các cơ sở y tế của nước sở tại.