Nghị quyết này do Mỹ bảo trợ, gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Liên hợp quốc về tổ chức trưng cầu dân ý ở Tây Sahara (Minurso) đến ngày 31/10/2025. Nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một "giải pháp chính trị thực tế, khả thi, bền vững và được các bên cùng chấp nhận" cho Tây Sahara, đồng thời kêu gọi cam kết đổi mới từ các bên nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị và cho rằng tình trạng hiện tại ở khu vực này là không thể chấp nhận được.
Là một vùng sa mạc rộng lớn trải dài 266.000 km2 ở phía Bắc Mauritania, Tây Sahara là lãnh thổ cuối cùng trên lục địa châu Phi mà tình trạng hậu thuộc địa chưa được giải quyết. Maroc hiện kiểm soát hơn 80% vùng lãnh thổ này ở khu vực phía Tây, trong khi Mặt trận Polisario do Algeria hậu thuẫn kiểm soát chưa đến 20% lãnh thổ khu vực phía Đông. Hai bên được ngăn cách bằng một bức tường cát và vùng đệm dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Xung đột ở Tây Sahara đã kéo dài từ năm 1975 đến nay. Vùng này được LHQ coi là "lãnh thổ không tự trị". Từ năm 2007, Chính phủ Maroc đã đề xuất một kế hoạch tự trị thuộc chủ quyền của mình ở Tây Sahara, trong khi Mặt trận Polisario yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về quyền tự quyết mà LHQ đã lên kế hoạch thực hiện khi lệnh ngừng bắn ở khu vực này được ký hồi năm 1991, song cho đến nay cuộc trưng cầu ý dân này vẫn chưa thực hiện được.
Giữa tháng trước, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Tây Sahara Staffan de Mistura thông báo rằng ông đã kích hoạt lại dự án “phân chia” vùng lãnh thổ này, tuy nhiên dự án trên đã vấp phải sự phản đối của Mặt trận Polisario.