Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp cấp bộ trưởng của Nhóm Hỗ trợ quốc tế cho Liban, diễn ra ngày 23/9 bên lề Tuần lễ Cấp cao của Kỳ họp Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ Khóa 75, TTK Guterres đánh giá việc chỉ định ông Mustapha Adib làm Thủ tướng Liban là một bước đi đúng hướng. Ông hối thúc nước này nhanh chóng thành lập một chính phủ mới đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân, cũng như nhanh chóng tiến hành những cải cách và thay đổi cơ bản quan trọng trong nước.
Nhà lãnh đạo LHQ nêu rõ: "Nếu không có hành động như vậy, khả năng phục hồi và tái thiết của đất nước sẽ bị đe dọa, làm gia tăng tình trạng hỗn loạn và khó khăn cho người dân Liban".
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến ngày 23/9 vừa qua với sự tham dự của Thủ tướng Hassan Diab của chính phủ tiền nhiệm, TTK Guterres cũng đã yêu cầu Liban khởi động các cải cách. Ông nhấn mạnh đã đến lúc Liban cần tiến hành chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng và năng lượng cũng như hải quan, mua sắm công và các doanh nghiệp nhà nước.
Theo TTK Guterres, cải cách xã hội, gồm bảo trợ xã hội, cũng là yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống của tất cả người dân Liban, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất. Ông nêu rõ chính sách cải cách phải đáp ứng những yêu cầu chính đáng của người dân Liban về phúc lợi cao hơn, trách nhiệm giải trình, minh bạch và năng lực xử lý vấn nạn tham nhũng, mới có thể lấy lại niềm tin của người dân Liban.
Các thành viên của Nhóm Hỗ trợ quốc tế cho Liban gồm có Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Italy, Nga và Mỹ, cùng LHQ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn Arab (AL). TTK Guterres và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến này. Quan chức ngoại giao Pháp cũng nhấn mạnh: "Các đảng phái chính trị tại Liban hiện vẫn chưa thể nhất trí về việc thành lập chính phủ mới. Do đó, chúng ta cần cùng nhau tạo những sức ép mạnh mẽ để thúc đẩy giới chức Liban tôn trọng các cam kết của chính mình. Những nỗ lực chung này cần phải được duy trì chừng nào còn cần thiết".
Sau vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut khiến trên 190 người thiệt mạng và khoảng 6.000 người bị thương hôm 4/8 vừa qua, Chính phủ Liban do Thủ tướng Hassan Diab đứng đầu đã từ chức. Ngày 31/8, Tổng thống Liban Michel Aoun đã bổ nhiệm Đại sứ tại Đức Mustapha Adib làm thủ tướng mới.
Ông Adib chủ trương thành lập bộ máy chính phủ thu gọn với các thành viên có chuyên môn trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, do quan điểm bất đồng giữa các phe phái chính trị, đến nay Thủ tướng Adib vẫn chưa thành lập được nội các mới.
Giới quan sát nhận định các nỗ lực của ông Adib vấp phải những trở ngại từ Amal và Hezbollah - hai nhóm Hồi giáo dòng Shiite chính trong mô hình chia sẻ quyền lực ở Liban. Mô hình này được áp dụng theo Hiệp định Taef năm 1989 kết thúc cuộc nội chiến 1997-1990, dựa trên việc phân chia quyền lực giữa các sắc tộc, trong đó tổng thống là tín đồ Công giáo Maronite, thủ tướng là người Hồi giáo dòng Sunni, chủ tịch quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite. Trong cơ quan lập pháp Liban có 18 sắc tộc tôn giáo chính thức được thừa nhận và 128 ghế nghị sĩ được chia đều giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đứng ra làm trung gian dàn xếp giữa các lực lượng chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Ông đã hối thúc các bên thông qua những cải cách cần thiết nhằm khôi phục đất nước Liban vốn đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và các tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.