Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong bản kế hoạch ứng phó với vấn đề tị nạn khu vực, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nhân đạo bao trùm CHDC Congo là “một trong những cuộc khủng hoảng phức tạp và kéo dài nhất” trên thế giới.
Các lực lượng phiến quân đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề ở miền Đông giàu tài nguyên khoáng sản của CHDC Congo suốt nhiều thập kỷ qua, với nhiều nhóm trong đó là tàn dư của các cuộc chiến tranh khu vực nổ ra trong những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Kể từ tháng 11/2021, nhóm phiến quân M23 đã chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ và tiến sâu vào bên trong thành phố Goma - đầu mối thương mại chủ chốt ở miền Đông CHDC Congo.
UNHRC cho biết khoảng 5,5 triệu người đã buộc phải rời khỏi nhà cửa trên phần lớn lãnh thổ CHDC Congo từ tháng 11/2022. Bên cạnh đó, hơn 1 triệu người đã rời đến các nước láng giềng của quốc gia Trung Phi. Cụ thể, hơn 500.000 người trong số này đang tìm nơi trú ẩn ở Uganda, trong khi những người còn lại đã tới Burundi, Tanzania, Rwanda, Zambia, Congo-Brazzaville và Angola.
UNHRC cảnh báo những nhân tố khiến người dân CHDC Congo phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có tình trạng bất ổn và vấn đề mất an ninh lương thực trầm trọng, có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2023.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp CHDC Congo vào danh sách những quốc gia nghèo nhất trên toàn cầu, nơi 2/3 trong tổng số dân khoảng 100 triệu người có thu nhập bình quân ở mức chưa tới 2,15 USD/ngày.
CHDC Congo dự kiến sẽ tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống trong tháng 12 năm nay.