Hơn 75.000 người từng trốn chạy khỏi thành trì cuối cùng của IS ở Baghuz, hiện đang sống trong điều kiện chật chội và tuyệt vọng tại trại al-Hol. Phụ nữ và trẻ em, trong đó có hơn 11.000 phụ nữ và trẻ em ngoại quốc, chiếm 90% tổng số những người này.
Theo OCHA, chính phủ các nước chưa sẵn sàng cho hồi hương các công dân từng rời khỏi đất nước để gia nhập phiến quân IS ở Syria. Trong khi đó, ông Panos Moumtzis, điều phối viên nhân đạo của khu vực, chuyên trách về cuộc khủng hoảng tại Syria, cho rằng theo luật pháp quốc tế, tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ) có nghĩa vụ tạo điều kiện để các công dân hồi hương. Ông nêu rõ các quốc gia nên chấp nhận những trẻ em có quốc tịch theo mẹ hoặc cha, vốn là người nước ngoài. Trước hết nên đối xử với trẻ em như các nạn nhân. Trẻ em có quyền đặc biệt được bảo vệ và điều này được áp dụng trong mọi tình huống, "không phân biệt tuổi tác, giới tính và xuất thân của các em".
Cũng theo ông Moumtzis, tại trại al-Hol, các phụ nữ được sống tách biệt so với những thành viên trong trại nói chung để giảm căng thẳng. Đã có sự thù địch với những phụ nữ và trẻ em này do mối quan hệ của họ với các thành viên của IS. Ông Moumtzis cho biết thêm khu vực mà các phụ nữ nước ngoài và con cái họ sinh sống bị hạn chế hơn so với những khu vực còn lại của trại al-Hol. Ngoài ra, các nhân viên LHQ cũng không được phép tiếp cận khu vực này, vốn do lực lượng phòng vệ Syria quản lý. Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế (ICRC) là một trong số ít các tổ chức được phép ra vào khu vực trại nêu trên. LHQ đã cung cấp cho ICRC các vật dụng, đồ cứu trợ để phân phát đến những thành viên tại khu vực đặc biệt này.