Phát biểu trước báo giới tại trụ sở của LHQ ở New York trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tuần này bằng hình thức trực tuyến, TTK Guterres nêu rõ: "Cuối tuần này, các lãnh đạo G20 sẽ nhóm họp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục tàn phá thế giới của chúng ta. Tôi sẽ tham dự hội nghị và thông điệp chính của tôi rất đơn giản: Chúng ta cần đoàn kết và hợp tác".
Theo ông, cộng đồng quốc tế cần có những hành động cụ thể ngay bây giờ, đặc biệt vì lợi ích của những thành phần xã hội dễ bị tổn thương nhất, với việc tập trung vào hai mặt trận chính là đảm bảo sự phục hồi mang tính bao trùm nhằm mang lại lợi ích cho mọi người và thúc đẩy sự "phục hồi xanh" và bền vững.
Về đại dịch COVID-19, người đứng đầu LHQ cảnh báo hiệu ứng domino từ làn sóng phá sản có thể hủy hoại nền kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi lãnh đạo các nước G20 cần nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này dẫn tới "một đại dịch nợ nần". Ông lưu ý rằng trong khi các nước phát triển có đủ khả năng để triển khai những gói cứu trợ quy mô lớn, các nước đang phát triển lại đang trên bờ vực nghèo đói và sự tàn phá tài chính ngày một nghiêm trọng.
Nguy cơ nợ nần đang ngày càng lộ rõ, đặc biệt là các nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa và du lịch, trong đó có cả các nền kinh tế thu nhập trung bình như các đảo quốc nhỏ. Ông kêu gọi G20 tăng cường các nguồn lực tài chính sẵn có cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bao gồm thông qua việc phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) mới - đơn vị tiền tệ của IMF - và tự nguyện tái phân bổ SDR chưa sử dụng. Ông cho biết sẽ thúc đẩy G20 gia hạn Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ (DSSI) tới cuối năm 2021, cũng như mở rộng phạm vi của các sáng kiến cho tất cả các nước đang phát triển và thu nhập trung bình có nhu cầu.
Đề cập tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, TTK Guterres đánh giá một liên minh toàn cầu hướng tới đưa lượng khí thải ròng về bằng 0 vào năm 2050 đang dần hình thành. Ông dự báo vào đầu năm tới, các nước phát thải hơn 65% lượng khí CO2 toàn cầu cũng như chiếm hơn 70% nền kinh tế thế giới sẽ có thể đưa ra những cam kết tham vọng về trung hòa carbon.
Những cam kết này đang phát đi tín hiệu rõ ràng cho thị trường, các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách. Người đứng đầu LHQ đồng thời kêu gọi các nước G20 cần hành động dứt khoát trên cấp độ đa phương và khu vực. Ông cũng hối thúc các nước này hợp tác, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong việc thích ứng và nâng cao khả năng chống chịu trước những hậu quả cho biến đổi khí hậu gây ra.
Theo kế hoạch, Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 15 sẽ diễn ra trong các ngày 21-22/11 theo hình thức trực tuyến. Hội nghị do Saudi Arabia - nước Chủ tịch G20 năm nay - chủ trì. Tại hội nghị lần này, lãnh đạo các nước sẽ tập trung thảo luận về hợp tác ứng phó dịch COVID-19, thương mại-đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững.