Trong khi đó, chỉ khoảng 33% các quốc gia, chủ yếu là các nước thu nhập cao, đang thực hiện các phương pháp đo lường tổn thất liên quan đến việc học tập ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, các số liệu trên nằm trong kết quả cuộc khảo sát do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa LHQ (UNESCO) và các đối tác là Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tiến hành.
Giám đốc Viện thống kê của UNESCO Silvia Montoya nhấn mạnh việc "đo lường mất mát trong học tập là bước đầu tiên và quan trọng để giảm thiểu hậu quả của nó". Theo bà, điều quan trọng là các quốc gia phải quan tâm đánh giá mức độ thiệt hại để thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp.
Cuộc khảo sát được tiến hành ở 142 quốc gia trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 vừa qua và được thực hiện ở 4 cấp học, từ mầm non đến trung học phổ thông. Theo đó, chưa đến 1/3 các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cho biết tất cả học sinh đã trở lại học trực tiếp tại trường. Báo cáo cũng cho thấy hầu hết các quốc gia đã khuyến khích học sinh trở lại trường học thông qua các biện pháp như có sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng, theo dõi giám sát tại trường học, khuyến khích về tài chính, cải thiện các dịch vụ nước và điều kiện vệ sinh.
Trưởng bộ phận Giáo dục toàn cầu của UNICEF Robert Jenkins cho rằng học từ xa là công cụ hỗ trợ nhiều trẻ em trên khắp thế giới trong thời gian trường học đóng cửa. Tuy nhiên, điều này phương thức học này nằm ngoài khả năng của những em thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. LHQ kêu gọi các nước cần triển khai biện pháp để sớm cho trẻ em trở lại trường học.
Theo ghi nhận của UNESCO, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc học của hơn 1,7 tỷ học sinh, sinh viên trên toàn thế giới tại 192 quốc gia. Một năm sau đại dịch, gần 50% học sinh toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa.
COVID-19 đã làm thay đổi sâu sắc nền giáo dục thế giới, thúc đẩy các nhà quản lý gấp rút lên phương án cho tương lai, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận giáo dục qua công nghệ thông tin ở các nước nghèo và đang phát triển vẫn còn hạn chế, khiến học sinh ở những nước này phải đối mặt với những thách thức không cân xứng và nguy cơ tụt hậu cao hơn.
Hiện ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra trường học không phải là môi trường virus lây lan mạnh nhất. Do đó, triển vọng mở cửa trường học bắt đầu sáng hơn khi chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tiến triển tích cực.
Kể từ tháng 6 vừa qua, các cơ quan của LHQ cũng đã bắt đầu hợp tác xây dựng một khuôn khổ về cách thức mở cửa lại trường học. LHQ cũng đã chủ động hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là đưa trẻ em trở lại môi trường học tập hiệu quả nhất.