LHQ kêu gọi đạt thỏa thuận về nợ nhằm ngăn chặn 'thảm họa' tại các nước nghèo

Ngày 23/4, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi một thỏa thuận về nợ toàn cầu, bao gồm việc thành lập một cơ quan quốc tế để giám sát "giảm nhẹ nợ thực chất" nhằm ngăn chặn một thảm họa kinh tế tại các quốc gia nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Chú thích ảnh
Các bà mẹ đưa con bị suy dinh dưỡng do thiếu lương thực tới khám tại một trung tâm dinh dưỡng của Hội chữ thập Đỏ ở Panthau, Nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN

Một báo cáo từ Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể gây ra "thảm họa kinh tế lan rộng tới toàn bộ các nước đang phát triển". Trong một phát biểu, Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi kêu gọi "cộng đồng quốc tế cần ngay lập tức có các bước đi nhằm giảm áp lực tài chính đang ngày một gia tăng khi vấn đề trả nợ gây sức ép lên các quốc gia đang phát triển, do chịu tác động mạnh từ cú sốc kinh tế bởi dịch bệnh".

Cơ quan này cũng nhắc lại lời kêu gọi vào tháng trước đối với khoản trợ cấp 1.000 tỷ USD để giảm nợ cho các quốc gia đang phát triển chịu thiệt hại nặng nề nhất từ COVID-19, đồng thời kêu gọi thành lập một cơ quan quốc tế nhằm giám sát chương trình này.

Trưởng bộ phận toàn cầu hóa và chiến lược phát triển của UNCTAD Richard Kozul-Wright nhấn mạnh "đây phải là cơ quan độc lập", cho rằng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) không phù hợp để giám sát chương trình này.

Báo cáo của UNCTAD chỉ ra rằng thậm chí trước khi xảy ra khủng hoảng dịch COVID-19, nhiều nước đang phát triển đã phải dành một phần lớn khoản thu ngân sách để trả nợ. Năm 2018, chính phủ của các nước đang phát triển dành trung bình 10% số tiền thu được để trả nợ; tuy nhiên, không ít các nước phải dùng tới 25% cho việc này, hệ quả là có ít ngân sách cho dịch vụ y tế và xã hội. Cũng theo báo cáo, tình trạng này trở thành thảm họa khi đại dịch COVID-19 ập đến, các nước này phải trả cho riêng khoản nợ công lên tới 3.400 tỷ USD vào cuối năm 2021. Ông Kozul-Wright khẳng định các nước đang phát triển đối mặt với "sự vắt kiệt" về thương mại và tài chính khi đại dịch đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái sâu.

Ông Kozul-Wright cũng hoan nghênh các kêu gọi gần đây về đoàn kết quốc tế, nhưng cảnh báo rằng cho đến nay quốc tế "mới cung cấp một chút hỗ trợ thực chất cho các nước đang phát triển". Đầu tháng này, IMF đã hoãn nợ cho 25 nền kinh tế nghèo nhất thế giới trong 6 tháng, giá trị ước tính khoảng 215 triệu USD. Trong khi đó, lãnh đạo nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tuyên bố giãn nợ cho 73 nước đang phát triển đến cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Kozul-Wright cảnh báo rằng, đây cơ bản là giải pháp trì hoãn mang tính tình thế, các nước này vẫn phải trả các khoản nợ kèm lãi suất.

UNCTAD nhấn mạnh "các biện pháp phối hợp mang tính minh bạch và hệ thống hơn hướng đến việc xóa nợ cho các nước đang phát triển là vấn đề thực sự cấp bách". Bên cạnh khoản nợ khoảng 1.000 tỷ USD mà UNCTAD cho rằng cần phải xóa, tổ chức này kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra giải pháp "tự động đóng băng tạm thời" các khoản nợ phải trả cho tất các các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng của đại dịch, cho đến khi họ có thể phục hồi kinh tế. Điều này giúp các nước đang phát triển tập trung các nguồn lực thực sự cấp thiết trong bối cảnh đại dịch hoành hành.

Hải Vân (TTXVN)
Tìm liều thuốc 'trị thương' cho các nước nghèo
Tìm liều thuốc 'trị thương' cho các nước nghèo

Hội nghị mùa Xuân trực tuyến đầu tiên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) kết thúc ngày 19/4 với cam kết đẩy mạnh những nỗ lực “giảm tổn thương” cho nền kinh tế toàn cầu trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó tăng cường các chương trình hoãn trả nợ cho các nước nghèo và đang phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN