Đại diện Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), ông Mark Lowcock cho biết trong năm tới, "nhu cầu về trợ giúp nhân đạo vẫn rất lớn. Tình hình đã trở nên xấu đi ở một số quốc gia, trong khi ở một số nơi khác, tình hình đang được cải thiện”. Không giống như những năm trước, số tiền mà LHQ kêu gọi các đối tác đóng góp cho công tác nhân đạo trong năm 2019 chưa hoàn toàn được xác định. Hiện tại, khoản ngân sách được yêu cầu là 21,9 tỷ USD, chưa tính đến số tiền dành để trợ giúp Syria. Khoản ngân sách cần thiết cho công tác trợ giúp Syria sẽ được thông báo sau khi hoàn thành Kế hoạch ứng phó nhân đạo đối với Syria trong năm 2019. Tổng ngân sách dự kiến sẽ vượt con số cần thiết cho năm 2018.
Nhìn chung, OCHA cho rằng "các cuộc khủng hoảng kéo dài hơn, ảnh hưởng đến một số lượng lớn người dân, và xung đột vẫn là nguyên nhân chính khiến nhu cầu nhân đạo và nhu cầu được bảo vệ gia tăng. Nếu như năm 2017, LHQ kêu gọi trợ giúp hơn 90 triệu người thì năm 2019, số người cần trợ giúp lên đến 93,6 triệu người. Trong vòng 4 năm, thời gian để thực hiện chương trình cứu trợ đối với mỗi quốc gia đã tăng từ mức trung bình hơn 5 năm lên mức 9 năm. Theo OCHA, sự thay đổi này là do thế giới đang phải đối mặt với "nhu cầu nhân đạo rất lớn, chủ yếu là do các cuộc xung đột vũ trang, khiến nhiều người rơi vào tình cảnh khó khăn và nhiều người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong một khoảng thời gian dài hơn”.
Cũng theo LHQ, các yêu cầu về trợ giúp nhân đạo trên thế giới trong năm 2019 tương tự như những yêu cầu của năm 2018. Tuy nhiên, trợ giúp của LHQ tại Yemen sẽ lớn hơn cả. Yemen sẽ là quốc gia có "những vấn đề lớn nhất". Ngoài ra, tình hình nhân đạo cũng rất đáng lo ngại tại Syria. Trong số 13 triệu người Syria có nhu cầu được cứu trợ, LHQ có kế hoạch giúp 11,2 triệu người. Tại châu Phi, ngoài Ethiopia và Nigeria, LHQ cũng sẽ đặc biệt chú ý đến CHDC Congo với việc hướng đến 9 triệu người trong số 12,8 triệu người dễ bị tổn thương nhất. Trong khi đó, tại khu vực Mỹ Latinh, LHQ đã yêu cầu ngân sách 740 triệu USD cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela.
Ngoài các cuộc xung đột, nỗ lực trợ giúp nhân đạo cũng sẽ được thực hiện để đối phó với thiên tai, đặc biệt là sau khi có dự báo về việc El Nino có thể sẽ diễn ra trong năm 2019. Theo OCHA, thiên tai và biến đổi khí hậu cũng khiến khoản chi phí này tăng lên. Thiên tai ảnh hưởng đến trung bình 350 triệu người mỗi năm và gây thiệt hại hàng tỷ USD. Giữa tháng trước, các nhà tài trợ từng thông báo sẽ đóng góp khoản ngân sách kỷ lục cho việc trợ giúp nhân đạo 13,9 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017.
Vẫn theo ông Lowcock, mặc dù các nhà tài trợ ngày càng hào phóng hơn, nhưng hằng năm vẫn có một khoảng cách giữa khoản ngân sách mà LHQ yêu cầu được trợ giúp với những khoản tài trợ nhận được. Trong bối cảnh này, LHQ dự kiến sẽ hỗ trợ việc giảm bớt các yêu cầu về trợ giúp nhân đạo trong tương lai thông qua việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của các nhu cầu nhân đạo và tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng.