Phát biểu tại một cuộc họp cấp cao của Đại Hội đồng LHQ, ông Guterres cho rằng các công cụ đổi mới cho phép tái cấu trúc nợ và xóa nợ đáng kể có thể giúp các nước có thu nhập trung bình gia tăng không gian tài khóa để có thể thúc đẩy đầu tư và phục hồi bền vững từ cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19.
Các nước có thu nhập trung bình chiếm hơn một nửa trong tổng số 193 thành viên của LHQ. Ông Guterres cho rằng các nước này nên được miễn trả nợ đến năm 2022 để ứng phó với tác động kinh tế và xã hội từ dịch COVID-19. Thậm chí trước khi đại dịch bùng phát, nhiều nước đã phải “vật lộn” với khối nợ tăng cao.
Tổng thư ký LHQ đã nhắc đến các đảo quốc nhỏ như một ví dụ, khi sự ngừng trệ của hoạt động du lịch đã ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ của các nước này. Ông cho rằng trong khi sự ứng phó trên toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng nợ đang hướng trực tiếp đến việc hỗ trợ các nước thu nhập thấp, thì cộng đồng quốc tế cũng không được để các nước thu nhập trung bình bị bỏ lại phía sau.
Trước đại dịch, các nước có thu nhập trung bình chiếm khoảng 62% người nghèo trên toàn thế giới. Danh sách này bao gồm Ấn Độ, quốc gia có dân số hơn 1 triệu người, và cả Palau với quy mô dân số chưa đến 20.000 người.
Bên cạnh dân số, các nước này cũng có sự khác biệt lớn trong hoạt động kinh tế, địa lý và mức thu nhập bình quân đầu người dao động từ 1.000-12.000 USD/năm, tức thường cao hơn ngưỡng thu nhập bình quân đầu người để được xóa nợ.
Ông Guterres cho biết dù các nước này có thể tránh vỡ nợ, nhưng họ sẽ bị giới hạn khả năng chi tiêu công cho các mục tiêu khí hậu và phát triển trong nhiều năm tới. Chính vì vậy, ông nhấn mạnh cần phải có một cơ chế nợ mới, trong đó bao gồm cả các hình thức hoán đổi nợ, mua lại và xóa nợ.