Tuyên bố cũng hoan nghênh việc Quốc hội Libya đã phê chuẩn một chính phủ lâm thời nhằm dẫn dắt quốc gia giàu dầu mỏ này tiến tới các cuộc bầu cử vào tháng 12 tới sau một thập kỷ xung đột kể từ khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ.
Tuyên bố được tất cả 15 nước ủy viên HĐBA nhất trí nêu rõ: "HĐBA kêu gọi tất cả các bên thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn cũng như hối thúc các nước thành viên tôn trọng và ủng hộ việc thực thi đầy đủ thỏa thuận. HĐBA kêu gọi tất cả các nước thành viên tuân thủ đầy đủ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ , phù hợp với các nghị quyết liên quan của HĐBA".
Theo LHQ, đến cuối năm 2020 vẫn có khoảng 20.000 binh sĩ nước ngoài và lính đánh thuê hiện diện ở Libya, trong khi không có động thái rút quân nào.
Ngày 10/3, Quốc hội Libya đã thông qua chính phủ lâm thời với nhiệm vụ giúp chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/12 tới, một bước đi quan trọng hướng tới chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài một thập kỷ tại quốc gia Bắc Phi này.
Chính phủ lâm thời này sẽ thay thế hai chính quyền cùng tồn tại hiện nay tại Libya, gồm Chính phủ hòa hợp dân tộc (GNA) được LHQ công nhận và chính quyền ở miền Đông được lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.
Theo kế hoạch, chính phủ lâm thời sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chủ chốt, gồm đối phó với các thách thức từ đại dịch COVID-19, vấn đề cung cấp điện và đoàn kết người dân thông qua Hội đồng hòa giải dân tộc.