Khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ thông qua CBD trong năm nay, trong đó có mục tiêu bảo vệ thiên nhiên vào trước giữa thế kỷ này khỏi hoạt động tàn phá do con người gây ra và ít nhất 30% diện tích đất liền và biển được bảo vệ vào trước năm 2030.
Bà Elizabeth Maruma Mrema, Thư ký điều hành của CBD, nhấn mạnh thế giới đang mong chờ những hành động khẩn cấp để bảo vệ thiên nhiên và con người phải cùng nhau thực hiện một thỏa thuận lịch sử thực sự để đảm bảo con đường chung sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.
Các cuộc thảo luận do LHQ bảo trợ sẽ kéo dài từ ngày 14 - 29/3, tạo tiền đề cho Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15), ban đầu dự kiến được tổ chức tại Côn Minh, Trung Quốc vào năm 2020 và bị hoãn nhiều lần vì đại dịch COVID-19.
Nhiều khả năng, tại các cuộc thảo luận này, LHQ sẽ thông báo thời điểm cụ thể diễn ra COP15. Ban đầu, hội nghị COP15 có kế hoạch diễn ra trực tiếp vào tháng 4 năm nay, song sau đó lùi lại sang tháng 5.
Trong một báo cáo công bố hồi năm 2019, các chuyên gia của LHQ về đa dạng sinh học cảnh báo 1 triệu loài sinh vật có thể biến mất trong vài thập kỷ tới, làm gia tăng quan ngại thế giới đang bước vào kỷ nguyên tuyệt chủng hàng loạt thứ 6 trong 500 triệu năm nữa.
Vào tháng trước, Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ cho hay 9% loài sinh vật trên thế giới đang đứng trước nguy cơ cao bị tuyệt chủng ngay cả khi thế giới đạt mục tiêu kìm hãm sự tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo thỏa Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.