Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Ukraine cùng 50 nước khác đã bỏ phiếu phản đối dự thảo, trong khi 31 nước ủng hộ và 54 nước bỏ phiếu trắng.
Dự thảo được Nga trình lên ngày 25/10 vừa qua, trong đó yêu cầu ĐHĐ LHQ hối thúc Moskva và Washington nỗ lực củng cố INF và tăng cường hiệu lực của hiệp ước, để INF trở thành "hòn đá tảng" trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu. Cũng theo dự thảo nghị quyết, ĐHĐ hối thúc Nga và Mỹ tiếp tục đàm phán về thực hiện các nghĩa vụ của mình trong hiệp định, đồng thời đối thoại xây dựng về các vấn đề chiến lược trên cơ sở công khai, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác. Moskva coi việc bảo vệ INF là điều kiện tiên quyết để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nga cũng kêu gọi đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự khóa họp thứ 74 ĐHĐ LHQ.
Trước đó, ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi INF, với cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận này. Tuy nhiên, Moskva khẳng định tuân thủ nghiêm chỉnh INF, trong khi cho rằng Washington mới là bên luôn vi phạm hiệp ước. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moskva chờ Mỹ làm rõ thông tin về khả năng từ bỏ INF trước khi đưa ra quan điểm chính thức của Nga về vấn đề này.
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987. Theo thỏa thuận, hai bên đồng ý cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.