Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết, riêng tháng 6/2017 đã xảy ra gần 100 trường hợp tấn công, trộm cắp nhằm vào đội ngũ nhân viên cứu trợ, hàng viện trợ, tài sản… của các tổ chức nhân đạo quốc tế tại Nam Sudan. Đây được coi là con số kỷ lục kể từ trước đến nay.
Người tị nạn Nam Sudan tại một trung tâm tị nạn ở Adjumani, Uganda. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài ra, tình trạng mất an ninh, trật tự do xung đột vũ trang đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phân phối, cung cấp viện trợ nhân đạo của quốc tế cho các đối tượng cần trợ giúp tại quốc gia châu Phi này, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và khu vực đang có chiến sự.
OCHA cho biết hiện các vụ tấn công, trộm cướp đang gia tăng nhằm vào các cơ sở quan trọng của các tổ chức nhân đạo quốc tế, bao gồm văn phòng, kho hàng, nhà ở… tại đây. Đặc biệt, OCHA bày tỏ quan ngại trước tình trạng các hành động tấn công vào đội ngũ nhân viên cứu trợ, phương tiện vận chuyển và hàng cứu trợ nhân đạo đang gia tăng mạnh trên các tuyến đường giao thông chính, làm cho nhiều chương trình cứu trợ khẩn cấp và các hoạt động phân phối, cung cấp viện trợ nhân đạo phải tạm ngừng hoặc bị gián đoạn, khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia châu Phi này ngày càng tồi tệ hơn.
Theo báo cáo mới đây của các tổ chức LHQ, hơn 80 nhân viên cứu trợ quốc tế, bản địa đã thiệt mạng tại Nam Sudan kể từ khi xảy ra cuộc xung đột đẫm máu vào tháng 12/2013, đặc biệt phải kể đến những cuộc tấn công của các nhóm vũ trang tại đây nhằm vào đội ngũ nhân viên cứu trợ, trộm cướp hàng viện trợ, tài sản và ngăn chặn cung cấp viện trợ khẩn cấp cho các khu vực khó khăn ở nước này.
LHQ cho biết hơn 6 triệu người Nam Sudan có nguy cơ bị chết đói do nội chiến, hạn hán kéo dài… Đây được coi là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất châu Phi và thế giới hiện nay.