Trong bối cảnh dịch Ebola tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực Tây Phi, ngày 25/8, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo việc một số nước hạn chế các chuyến bay tới các quốc gia bùng phát dịch Ebola có thể cản trở công tác chống dịch bệnh nguy hiểm này.Phát biểu tại phiên họp báo hàng ngày, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết cơ quan này đang tập trung đối phó với tình trạng bùng phát dịch Ebola tại khu vực Tây Phi. Tuy nhiên, công tác này đang gặp thách thức do hoạt động chuyên chở bằng đường không đến và đi tới các quốc gia này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo ông Dujarric, việc một số nước hạn chế hay cấm các chuyến bay xuất phát hoặc quá cảnh tại các nước bùng phát dịch ở Tây Phi mặc dù có thể cảm thông, song là hành động không được cho phép. Biện pháp này không phải là lựa chọn tối ưu nhằm ngăn chặn virus Ebola lây lan.
Nhân viên y tế Tổ chức Bác sĩ không Biên giới điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Ebola tại bệnh viện ở Monrovia, Liberia. Ảnh: AFP-TTXVN |
Người phát ngôn LHQ nhấn mạnh các lệnh hạn chế bay đã cản trở các tổ chức nhân đạo quốc tế triển khai nhân sự tới hỗ trợ các quốc gia Tây Phi kiểm soát dịch, góp phần làm cô lập cả về kinh tế và ngoại giao đối với các nước này.
Cũng trong ngày 25/8, người đứng đầu Cơ quan điều phối ứng phó dịch Ebola của LHQ, ông David Nabarro cho biết thế giới có thể mất ít nhất 6 tháng nữa mới có thể kiểm soát được dịch bệnh nguy hiểm này. Theo ông Nabarro, những nỗ lực đối phó Ebola không chỉ là một trận đánh mà thực sự là một cuộc chiến cần sự phối hợp của tất cả mọi người, một cách hiệu quả và tích cực.
Ông Nabarro cho biết đang tiến hành tham vấn với các cơ quan hàng không quốc tế bao gồm IATA, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nhằm tìm kiếm biện pháp khôi phục các chuyến bay tới khu vực Tây Phi.
Theo WHO, kể từ khi dịch Ebola bùng phát hồi đầu tháng 3, đã có hơn 240 nhân viên y tế làm việc ở các quốc gia Tây Phi nhiễm bệnh, trong đó hơn 120 người đã tử vong. Virus Ebola lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1976, gây sốt xuất huyết ở bệnh nhân với tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh có các triệu chứng như sốt, đau mỏi cơ, nôn mửa, tiêu chảy, xuất huyết không ngừng, và có thể tử vong chỉ vài ngày sau khi nhiễm virus. Cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay vắcxin phòng ngừa virus Ebola. |
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có tổng cộng 1.427 trường hợp tử vong do virus Ebola và hơn 2.600 ca nhiễm tại 4 nước Tây Phi gồm Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria.
LHQ đã bày tỏ quan ngại song một số nước Tây Phi như Gabon, Senegal, Cameroon, Nam Phi và Rwanda đã ban bố lệnh cấm đi lại tới các quốc gia bùng phát dịch.
Riêng Rwanda, ngày 25/8, Bộ Y tế nước này khuyến cáo mọi hành khách đến từ Guinea, Liberia và Sierra Leone hoặc bất cứ người nào du lịch tới các nước này trong vòng 22 ngày qua không được nhập cảnh Rwanda qua bất cứ con đường nào. Mọi trường hợp có dấu hiệu nhiễm Ebola cũng không được phép vào nước này.
Tuyên bố trên được Rwanda đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, CHDC Congo đã xác nhận 2 trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên ở nước này, làm gia tăng quan ngại dịch bệnh này tiếp tục lan sang các quốc gia khác của châu Phi.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, bệnh viện Royal Free của Anh xác nhận đã bắt đầu điều trị cho một y sĩ người nước này bị nhiễm virus Ebola trong quá trình tham gia hỗ trợ đối phó dịch Ebola tại Sierra Leone. Theo cơ sở y tế này, y sĩ William Pooley đang được cách ly tại khu điều trị biệt lập và hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân "không nghiêm trọng". Y sĩ William Pooley (29 tuổi) đã được đưa về Anh tối 24/8 và đây là trường hợp đầu tiên một công dân Anh nhiễm Ebola.
TTXVN/Tin tức