Ngày 23/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về tác động của vụ Syria (Xyri) bắn rơi một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn của TTK cho biết ông Ban Ki-moon đặc biệt lo ngại về các tác động nghiêm trọng đối với toàn khu vực có thể xảy ra sau sự cố này. TTK kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong phản ứng của mình, đồng thời đánh giá cao việc Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Syria tiến hành một cuộc tìm kiếm chung. Ông kêu gọi hai bên tiếp tục giải quyết tình hình bằng các biện pháp ngoại giao và cho biết LHQ có thể giúp đỡ nếu hai bên gặp khó khăn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc ban Ki-moon lo ngại về tác động của vụ Syria bắn rơi máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/ TTXVN
|
Tuyên bố của TTK được đưa ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cho biết nước này sẽ có "hành động cần thiết" chống
Syria, rằng Ankara không thể phớt lờ thực tế trên và sẽ thực hiện mọi điều cần thiết sau khi vụ việc được làm sáng tỏ. Trước đó, Syria thừa nhận đã bắn rơi máy bay chiến đấu F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ vì chiếc máy bay này vi phạm không phận Syria.
Tuy nhiên, trong một động thái nhằm làm dịu tình hình, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc tuyên bố: "Chúng ta nên bình tĩnh. Đây đúng là một vấn đề lớn nhưng chưa có thông tin rõ ràng". Ông cho biết kết quả của cuộc điều tra hiện nay sẽ sớm được công bố.
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một đồng minh chính của Syria, song đã trở thành nước chỉ trích mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong làn sóng biểu tình kéo dài 15 tháng nay tại Syria. Vụ bắn rơi máy bay F-4 là sự cố nghiêm trọng nhất giữa hai nước kể từ khi bùng phát làn sóng biểu tình tại Xyria.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Iraq (Irắc) Hoshyar Zebari nhận định vụ Syria bắn rơi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải là "một hành động leo thang nghiêm trọng" có thể gây ra một tác động xấu tới toàn khu vực.
Ông cảnh báo: "Cuộc khủng hoảng tại Syria có nguy cơ lan ra các nước láng giềng, và không nước nào miễn dịch khỏi nguy cơ này". Ông cũng nhấn mạnh rằng: "Vai trò của Syria không thể bị bỏ qua trong mọi quyết định nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, trong thế giới Arập, hay cộng đồng quốc tế có ý định bỏ qua vai trò của Syria đều sẽ không thành công".
Theo thông tin mới nhất tại Syria, trong ngày 23/6, hơn 100 người đã thiệt mạng vì bạo lực trên cả nước, trong số này có 2/3 là dân thường. Trước đó ngày 22/6, 116 người cũng đã thiệt mạng. Nếu tính từ đầu làn sóng biểu tình hồi tháng 3/2011, đến nay hơn 15.000 người đã thiệt mạng. Tuy nhiên, những con số này phần lớn đều do phe đối lập hoặc các tổ chức không chính thức đưa ra và chưa được kiểm chứng.
TTXVN/ Tin Tức