Trong tuyên bố cuối ngày 30/4, điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Yemen, ông David Gressly cho biết: "Cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ hơn tại Yemen là một thực tế mà chúng ta cần khẩn cấp đối phó. Hơn 23 triệu người, gần 3/4 dân số nước này, hiện đang cần hỗ trợ... tăng gần 3 triệu người từ năm 2021". Ông kêu gọi các nhà tài trợ tận dụng lệnh ngừng bắn do LHQ làm trung gian đang được thực thi từ ngày 2/4 để hỗ trợ người dân Yemen.
Quan chức trên của LHQ cảnh báo để các cơ quan viện trợ nhân đạo tăng cường các nỗ lực của mình, "chúng tôi trông chờ vào số tiền của các nhà tài trợ, nếu không, hoạt động viện trợ sẽ đổ vỡ, bất chấp cơ hội tích cực mà chúng ta đang có hiện nay ở Yemen".
Theo ông Gressly, LHQ cần 4,3 tỷ USD cho kế hoạch ứng phó nhân đạo cho Yemen trong năm 2022 "để đảo ngược cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một tồi tệ". Kế hoạch này sẽ hướng tới 17,3 triệu người, trong đó gần 13 triệu người đang cần hỗ trợ khẩn cấp.
Cuộc xung đột tại Yemen đã kéo dài từ năm 2014, khi lực lượng Houthi giành quyền kiểm soát thủ đô Sanaa, khiến chính phủ phải lưu vong sang Saudi Arabia. Các cuộc giao tranh bùng phát mạnh từ năm 2015, khi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào Yemen. Theo ước tính của các cơ quan LHQ, đến nay hơn 150.000 người đã thiệt mạng vì đạn pháo, hơn 200.000 người khác đã chết vì cuộc xung đột này một cách gián tiếp như vì đói, khát và dịch bệnh. 8% trong số 30 triệu dân Yemen đang sống phụ thuộc vào viện trợ.
Lệnh ngừng bắn nói trên đang đem lại cho đất nước nghèo đói này một quãng thời gian yên tĩnh hiếm hoi. Lệnh ngừng bắn cũng liên quan đến thỏa thuận nối lại các chuyến bay thương mại từ sân bay Sanaa lần đầu tiên sau 6 năm. Tuy nhiên, chuyến bay khai trương - được lên kế hoạch cuối tháng 4 vừa qua, đã bị hoãn vô thời hạn. Các bên đổ lỗi cho nhau về việc này.