Thông báo trên được đưa ra sau khi LHQ công bố bản đánh giá tổng quan về tình hình nhân đạo toàn cầu, trong đó dự báo năm 2022 sẽ có 274 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo, con số cao nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Ông Martin Griffiths, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo, đánh giá khoản cứu trợ trên sẽ là “phao cứu sinh” cho hàng triệu người đang gặp khó khăn vì các cuộc khủng hoảng.
Hơn 90 chỉ số về nhân đạo đã được phân tích kỹ lưỡng và tất cả các bên liên quan đều được tham vấn ý kiến trước khi CERF đưa ra quyết định phân bổ khoản cứu trợ trên cho các quốc gia đang trong tình trạng khẩn cấp.
Các chương trình nhân đạo nhận được nhiều tài trợ nhất là ở Syria, với 25 triệu USD. CHDC Congo sẽ nhận được 23 triệu USD, Sudan 20 triệu USD và Myanmar 12 triệu USD. Các hoạt động cứu trợ ở Burkina Faso, CH Chad và Niger, sẽ nhận được 10 triệu USD cho mỗi nước. Phần còn lại của khoản cứu trợ sẽ dành cho Haiti và Liban, với 8 triệu USD mỗi nước; Madagascar, 7 triệu USD; Kenya và Angola, 6 triệu USD mỗi nước; và cuối cùng là Honduras, 5 triệu USD.
Ông Griffiths đánh giá quỹ CERF là một trong những cách nhanh nhất để LHQ có thể triển khai hoạt động cứu trợ khẩn cấp ở các quốc gia. Điều này cho phép các cơ quan của LHQ và các tổ chức khác triển khai hành động cứu trợ nhân đạo kịp thời, hiệu quả và ứng phó tình trạng khẩn cấp ở bất cứ đâu khi cần.
Kể từ khi được Đại hội đồng LHQ thành lập vào năm 2005, quỹ CERF đã chi khoảng 7,5 tỷ USD để hỗ trợ hàng trăm triệu người tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 2,4 tỷ USD cho các quốc gia đang trong tình trạng khủng hoảng.