Cảnh đổ nát sau một vụ không kích của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tại Sanaa, Yemen ngày 19/4. Ảnh: THX/TTXVN |
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Guterres, ông Stephane Dujarric cho biết người đứng đầu LHQ kêu gọi tất cả các bên tham gia xung đột tuân thủ các quy định về nhân đạo quốc tế, bao gồm việc tiến hành những biện pháp bảo vệ dân thường, đồng thời kiềm chế, tránh làm leo thang xung đột, gây ảnh hưởng đến những cơ hội hòa bình. Người phát ngôn Dujarric dẫn lời Tổng thư ký LHQ Guterres khẳng định giải pháp chính trị thông qua đối thoại với sự tham gia của tất cả các phe phái tại Yemen là cách duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi giao tranh giữa phiến quân Houthi và Saudi Arabia liên tục xảy ra. Ngày 7/5, liên quân do Saudi Arabia đứng đầu xác nhận liên quân đã tiến hành hai vụ không kích nhằm vào văn phòng tổng thổng ở thủ đô Saana (Yemen) hiện do Houthi kiểm soát. Theo thông tin báo cáo sau đó, có 6 người chết và hàng chục người bị thương trong các vụ tấn công này. Ngày 9/5, các đơn vị phòng không của Saudi Arabia đã đánh chặn 2 tên lửa đạn đạo trên bầu trời thủ đô Riyadh. Saudi Arabia cho biết đây là vụ tấn công bằng tên lửa mới nhất do phiến quân Houthi thực hiện nhằm vào lãnh thổ nước này.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi. Từ tháng 9/2014, phiến quân đã chiếm giữ phần lớn khu vực phía Bắc của Yemen, trong đó có thủ đô Sanaa, buộc ông Hadi cùng chính phủ tạm lánh ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi được quốc tế công nhận, tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen, theo đó tiến hành hàng nghìn cuộc không kích nhằm vào các căn cứ của phiến quân Houthi. Để đáp trả, Houthi đã tiến hành hàng trăm vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các thành phố của Saudi Arabia, trong đó đa số bị lực lượng phòng không Saudi Arabia đánh chặn.
Xung đột giữa các bên cho đến nay đã khiến gần 10.000 người chết, hàng chục nghìn người bị thương và đẩy hàng triệu người đến bờ vực đói kém mà theo đánh giá của LHQ, đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.