LHQ sẽ khách quan về vấn đề vũ khí hóa học Syria

Phát ngôn viên Liên hợp quốc (LHQ), ông Martin Nesirky ngày 31/8 cho biết các thanh sát viên của LHQ đã tiến hành kiểm tra trên diện rộng tại địa điểm được cho là xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria. Ông nhấn mạnh việc đưa ra kết luận có khí độc được sử dụng tại địa điểm này hay không phải chờ đến khi hoàn tất các xét nghiệm tại phòng thí nghiệm.

Phát biểu với báo giới, ông Nesirky bác bỏ những ý kiến cho rằng việc các thanh sát viên rút khỏi Syria ngày 31/8 là nhằm tạo điều kiện cho cuộc tấn công của Mỹ. Ông chỉ trích rằng những ý kiến như vậy là một sự xúc phạm đối với hơn 1.000 nhân viên LHQ đang ở Syria tham gia hoạt động viện trợ nhân đạo.

Thanh sát viên của LHQ lấy mẫu xết nghiệm tại hiện trường. Ảnh: theguardian.com


Theo ông Nesirky, các thanh sát viên LHQ đã lấy các mẫu phẩm từ thực địa và sẽ chuyển đến hai phòng thí nghiệm ở châu Âu xét nghiệm. Ông khẳng định LHQ sẽ có những đánh giá “công bằng và đáng tin cậy” về vấn đề sử dụng vũ khí hóa học ở Syria dựa trên kết quả xét nghiệm.

Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho biết có thể phải “mất tới ba tuần” để hoàn thành việc phân tích các mẫu phẩm do nhóm thanh sát viên LHQ mang về từ Syria một cách “khách quan, đúng trình tự và có hệ thống”. OPCW khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy tiến trình này và kết quả phân tích sẽ được trình lên Tổng thư ký LHQ.

Cùng ngày, Nhà Trắng đã chính thức trình một dự thảo nghị quyết lên Quốc hội Mỹ với nội dung cho phép hành động quân sự chống Syria. Dự thảo nhấn mạnh mục đích tấn công quân sự là nhằm "răn đe, ngăn chặn và làm giảm bớt khả năng" vũ khí hóa học hoặc các loại vũ khí hủy diệt khác có thể được sử dụng trong tương lai, đồng thời cho rằng sự ủng hộ của Quốc hội đối với động thái này sẽ phát đi "một thông điệp rõ ràng về quyết tâm của Washington".

Dự thảo trên sẽ được đưa ra tranh luận và bỏ phiếu tại Quốc hội Hoa Kỳ trong phiên họp ngày 9/9 sau kỳ nghỉ của các nghị sĩ.

Trước đó cũng trong ngày 31/8, Tổng thống Barack Obama tuyên bố ông sẽ đề nghị Quốc hội chấp thuận trước khi tiến hành tấn công Syria. Trong tuyên bố, ông Obama nhấn mạnh hành động quân sự sẽ “có giới hạn” và trong phạm vi lợi ích quốc gia của Mỹ.

Trước khi đưa ra tuyên bố trên, ông Obama đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Francois Hollande. Hai nhà lãnh đạo tiếp tục khẳng định quyết tâm trừng phạt Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad do hành vi sử dụng vũ khí hóa học, nhất trí rằng "cộng đồng quốc tế cần gửi một thông điệp rõ ràng tới Chính quyền Assad - cũng như những đối tượng đang cân nhắc sử dụng vũ khí hóa học - rằng đây là một hành động tội ác không thể dung thứ và những ai vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước toàn thế giới". Hai bên cam kết sẽ tiếp tục bàn bạc chặt chẽ với nhau về tình hình Syria trong những ngày tới.

Phản ứng trước động thái trên của Nhà Trắng, Thủ tướng Anh David Cameron tái khẳng định ủng hộ lập trường của Tổng thống Obama về vấn đề Syria, mặc dù Quốc hội Anh trước đó đã bỏ phiếu phản đối kiến nghị của chính phủ kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ hành động quân sự chống Syria.

Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cảnh báo một cuộc tấn công đơn phương vào Syria sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Phát biểu với các phóng viên ngày 31/8, Tổng thống Maduro lên án Tổng thống Mỹ Obama coi thường trách nhiệm của LHQ nói riêng và các tổ chức quốc tế nói chung, đồng thời cảnh báo hành động này của Mỹ sẽ chỉ dẫn tới chiến tranh và hủy hoại.

Trong khi Tổng thống Obama cân nhắc tấn công Syria, bên ngoài Nhà Trắng, khoảng 100 người biểu tình phản đối chiến tranh đã đối đầu với một số người ủng hộ phe đối lập Syria. Cảnh sát đã phải can thiệp để ngăn chặn hai bên xung đột.

Người dân Mỹ xuống đường biểu tình tại Los Angeles. Ảnh: AFP/TTXVN


Tại London, hàng nghìn người phản đối chiến tranh đã tham gia diễu hành tại quảng trường Trafalgar để bày tỏ ủng hộ Hạ viện Anh bác bỏ kiến nghị của chính phủ về hành động can thiệp quân sự vào Syria.

Trong một diễn biến khác, qua một tuyên bố trên truyền hình quốc gia ngày 31/8, Thủ tướng Syria Wael al-Halqi khẳng định quân đội nước này đã sẵn sàng đối phó với mọi cuộc tấn công từ bên ngoài. Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Syria trong việc thực hiện các biện pháp đối phó với mọi thách thức kinh tế, những diễn biến cũng như những hậu quả từ hành động leo thang quân sự của các nước phương Tây. Ông khẳng định nền kinh tế Syria vẫn mạnh mẽ và có khả năng đương đầu với mọi thách thức. Chủ tịch Quốc hội Syria Mohammad Jihad al- Laham cũng tuyên bố Syria không nao núng trước lời đe dọa tấn công của Mỹ cũng như đồng minh và đã chuẩn bị đối phó với mọi hành động xâm lược.

Về phần mình, Iran – đồng minh thân cận của Syria - tái khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối của Tehran đối với chính quyền và người dân Syria. Phát biểu tại cuộc gặp với Thủ tướng al-Halqi, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran, ông Alaeddin Boroujerdi đang ở thăm Damaccus, tuyên bố Tehran sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ trong khả năng của mình nhằm tăng cường sức mạnh và giúp Syria đối đầu với sự can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran Mohammad Ali Jafari cảnh báo việc Mỹ tấn công Syria sẽ gây ra những ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới nước này. Cựu Tổng thống Iran Akbar Hashemi Rafsanjani, hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Iran, cho rằng hành động tấn công của Mỹ có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn khu vực và Washington sẽ không thể kết thúc cuộc chiến này.

Tờ "Al-Manar" của Lebanon dẫn nguồn từ phe đối lập Syria cho biết các nhóm nổi dậy vũ trang đã lên kế hoạch cho các cuộc đụng độ lớn với quân chính phủ tại Damascus sau khi Mỹ bắt đầu tấn công thủ đô và lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Nguồn tin trên cũng tiết lộ rằng Mỹ đã thông báo sẽ không kích nhằm vào các đơn vị vũ trang và các tuyến phòng thủ của quân chính phủ Syria tại khu vực Qaseboun ở ngoại ô Damascus và dọc theo tuyến đường bộ Daraa - Damascus, nhất là gần các sân bay quân sự Khalkhaleh và Sa'leh, để mở đường cho quân nổi dậy xâm nhập khu vực thủ đô.

Trong khi đó, một thủ lĩnh cấp cao của phe đối lập Syria cảnh báo nếu Mỹ tấn công quân sự vào quốc gia Trung Đông này, tất cả các lợi ích của Washington trong khu vực sẽ trở thành mục tiêu tấn công cảm tử. Tổng thư ký đảng al-Shabab, ông Mahir Marhaj cho biết mặc dù là một trong những lực lượng đang chiến đấu chống chính phủ, song đảng này đặt lợi ích quốc gia cao nhất và đã thành lập một số tiểu đoàn để tiến hành tấn công cảm tử nhằm vào các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông.


TTXVN/Tin tức
Các láng giềng Syria chuẩn bị kịch bản xấu nhất
Các láng giềng Syria chuẩn bị kịch bản xấu nhất

Các nước láng giềng Syria đang chủ động chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất trong bối cảnh cuộc không kích của Mỹ và đồng minh chưa biết lúc nào sẽ giáng xuống “thùng thuốc súng” Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN